Về Quảng Trị thưởng thức mùa rau câu mát lành

Mùa hái rau câu thường bắt đầu từ tháng 1 và kết thúc vào tháng 4 âm lịch hàng năm. Để có được những bánh đúc rau câu ngon lành, bổ dưỡng và đẹp mắt trên tấm lá gai xanh mướt, nhiều phụ nữ nơi làng biển Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh phải dầm mình dưới làn nước lạnh buốt, gồng mình trước sóng cả và dùng tay không để gỡ từng cọng rau ra khỏi lớp đá hộc thô ráp bám đầy rong rêu…

Rau câu được hái từ lớp đá hộc thô ráp bên bờ biển

Chiều, khi con nước bắt đầu rút xuống, sống vỗ mạnh vào bờ đá ven bãi tắm Cửa Tùng, cũng là lúc chị Đào Thị Bình, trú tại thôn An Đức 2, thị trấn Cửa Tùng cùng nhiều chị em phụ nữ khác mang theo dụng cụ đi hái rau câu. Dụng cụ hành nghề của các chị rất đơn giản. Chỉ là một cái rá nhựa, túi đựng rau câu và găng tay bằng vải hoặc cao su. Chị Bình cho hay, nghề hái rau câu khai sinh ở Cửa Tùng cách nay khoảng 10 năm trở lại. Lúc trước, ngoài các loại rong biển khác, rau câu được người dân nơi miền chân sóng dùng để chế biến làm thức ăn trong gia đình. Khi dịch vụ du lịch biển dần thịnh hành thì những món ăn dân dã cũng trở thành đặc sản được thực khách ưa chuộng và săn lùng. Vì thế, tranh thủ những lúc rảnh rỗi, các bà, các mẹ lại tất tả đi dọc bãi đá để hái rau câu, kiếm thêm thu nhập.

Muốn hái được rau câu, người hái phải đợi khi con nước hạ hay còn gọi là thủy triều xuống. Bởi lúc này, nước rút xuống thấp làm nhô ra những tảng đá đóng dày rong rêu, tảo và cả loài rau câu khiêm nhường ẩn mình dưới vô vàn thủy sinh. Để hái được rau câu không hề đơn giản. Vì rau câu chỉ mọc ở những tảng đá có sóng vỗ nên chị Bình phải dầm mình dưới làn nước lạnh, đôi chân vừa dò dẫm từng bước đi trên lớp đá trơn, vừa gồng mình trước từng đợt sóng vỗ và đôi mắt phải căng ra để tìm rau câu. Loài rau câu có thân nhỏ, màu vàng thẫm nên phải quen mắt mới tìm được. Chị Bình khéo léo và tỉ mẩn dùng tay gỡ từng cụm rau câu nhỏ ra khỏi lớp đá thô kệch, lởm chởm. Đưa bàn tay chi chít sẹo và thô ráp với nắm rau câu vừa hái được cho tôi xem, chị Bình nói: “Lúc đầu mới làm nghề này, ai cũng bị rách, trầy xước cả mười đầu ngón tay. Làm lâu quen dần, các ngón tay cũng chai sạn và thô cứng hẳn. Nghề này không dùng dao hay công cụ khác được mà phải dùng tay không để hái. Vì dùng dụng cụ cạy cây ra khỏi đá sẽ bị dính nhiều đá sỏi lẫn vào rau. Hái tay mới sạch được”. Thế mới thấy, nghề này cũng lắm công phu!

Bánh đúc rau câu được bày bán ở chợ cá Cửa Tùng

Hiện tại, ở Cửa Tùng có khoảng 10 người phụ nữ hành nghề hái rau câu. Trung bình mỗi ngày, các chị hái được từ 2-6 kg rau câu tươi. “Rau câu hái về không phải bán tươi mà phải chế biến, nấu thành bánh đúc rau câu để bán cho thực khách”, chị Bình chỉ tay về phía chiếc mẹt bày nhiều bánh đúc rau câu rồi nói với tôi. Khi được hỏi về cách chế biến bánh đúc rau câu, chị Bình bật mí thêm: “Rau câu khi hái về sẽ được rửa sạch, sau đó băm nhuyễn và để ráo nước. Tiếp đó, nấu một nồi nước lớn. Khi nước sôi già thì bỏ rau câu lên ninh nhừ. Khoảng 1 tiếng sau, rau câu đông đặc lại thì tắt lửa. Khi vừa nguội, rau câu sẽ được đổ ra khuôn làm bằng lá gai tươi”. Qúa trình làm ra bánh đúc rau câu nghe có vẻ đơn giản nhưng muốn có được những mẻ bánh đúc rau câu ngon lành, đẹp mắt và bảo quản được lâu, người nấu phải tỉ mẩn trong từng công đoạn từ sơ chế đến chú ý mức nước phù hợp và phải giữ lửa đều.

Rau câu sau khi được chế biến thành “bánh đúc” được đặt trên những lá gai tròn có kích thước bằng lòng bàn tay rồi đem ra bày bán ở chợ cá Cửa Tùng hoặc vào các quán xá, nhà hàng ẩm thực biển. Một kg rau câu tươi sẽ chế biến được 30 bánh đúc rau câu. Một cái bánh đúc được bán với giá 3 ngàn đồng. “Tôi đọc thấy báo đài nói rằng rau câu có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như nhuận tràng, ngăn ngừa ung thư, tăng cường hệ tiêu hóa, cải thiện hệ tim mạch, giúp cơ thể thải độc và giảm Cholesterol trong máu… Người dân vùng biển có sức khỏe tốt cũng nhờ ăn rau câu thường xuyên. Mấy năm gần đây, nhu cầu thị trường ngày càng cao nên rau câu chúng tôi làm được bao nhiêu bán hết bấy nhiêu”, chị Bình vui vẻ nói.

Dù thu nhập không cao nhưng nhờ chuyên cần và chăm chỉ với công việc, sau mỗi mùa rau câu, các chị, các mẹ nơi miền biển Cửa Tùng lại có thêm nguồn thu nhập kha khá để chăm lo cho con cái học hành. Và mỗi khi mùa rau câu đến, những người phụ nữ như chị Bình lại tất bật, cần mẫn hái những mớ rau câu tươi nguyên, mang đến cho thực khách những bánh đúc rau câu đậm đà hương vị ngọt lành từ biển cả.

Theo Báo Quảng Trị 


Khám phá Quảng Trị và miền trung với dịch vụ du lịch, cho thuê xe:

Hotline: 0233.3.70 80 90 - Website: https://fiveseasonsholidays.com