Về miền cây trai, cây trổ

Cuối La La nhìn từ trên cao
Cây trai ở Bản Chùa

Đại ngàn không chỉ là mái nhà chung của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở Quảng Trị, mà con là nơi đã nuôi giấu, chở che và lưu giữ ký ức của biết bao người lính trong chiến tranh. Giữa chốn non cao, hàng trăm con suối lớn nhỏ cứ miệt mài chảy mãi để khôn lớn thành sông, để bồi đắp nên phù sa bờ bãi, còn những người lính năm xưa ấy đã không tiếc tuổi xuân, ngược xuôi chinh chiến và hy sinh vì quê hương xứ sở.

Những con người một thời cầm súng đánh giặc, những con người đã âm thầm mang theo hồn những ngọn núi, những con suối suốt dọc dài năm tháng vẫn khắc khoải có một ngày được trở lại nơi dấu xưa chốn cũ, được về với những địa danh đã trở thành cả một miền ký ức và hoài niệm, nơi ấy có tên gọi là cây Trai, cây Trổ bên dòng suối La La vẫn đang chảy mãi cùng thời gian…
Vào một buổi chiều muộn bên dòng suối La La, tôi tình cờ được chứng kiến cuộc hội ngộ giản dị mà xúc động giữa hai người lính già Trần Kiệm và Nguyễn Thanh Triết. Sau mấy mươi năm xa cách, họ lại cùng ngồi bên nhau trên một phiến đá trắng xám ngay giữa lòng suối, mắt hướng về những dãy núi nhấp nhô chắp nối rồi khe khẻ hát:
“Ơi dòng suối La La!
Nước trong xanh hiền hòa
Đang bay bổng lời ca
Chảy xuôi về sông Cam Lộ…”
Giai điệu bài hát hòa cùng thanh âm của gió làm đong đưa những khóm lau trắng, tưởng như có con thuyền đang lướt đi trong chiều nhạt nắng, đưa hai người lính già trở về với những năm tháng tuổi trẻ vượt Trường Sơn đi đánh giặc.
Quê gốc ở xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Linh, năm 1967 ông Trần Kiệm tình nguyện vượt sông Bến Hải vào Cam Lộ để tham gia lực lượng du kích xã Cam Mỹ (nay là Cam Tuyền). Còn ông Nguyễn Thanh Triết, một chàng trai xứ nghệ tình nguyện nhập ngũ vào năm 1968 và trở thành lính đặc công của đoàn Sông Hồng tại mặt trận Quảng Trị. Những năm chiến tranh, cả ông Kiệm và ông Triết đều thông thuộc địa bàn vùng rừng núi phía tây Cam Lộ, Gio Linh, gọi là mặt trận Bắc đường Chín như chính quê hương của mình. Cuộc trùng phùng nơi chiến trường xưa hẵn đã làm sống lại bao ký ức của hai người về những chuyến đi vòng qua cao điểm 182, còn gọi là “đồi máu”, hay những tên gọi như suối Cu Đin, dốc Thu Bồn, dãy cao điểm 333, dốc Ba Đỉnh, sông Ngân…cùng không ít lần chạm mặt sinh tử với giặc ở bản Chùa, ở xóm Quai Mọ bên sông Hiếu …Và một trong những địa danh mà cả hai ông đều da diết nhớ chính là dòng suối La La chảy vòng qua những ngọn đồi không tên, vắt ngang qua bản Chùa rồi uốn lượn dưới chân dãy 135 cùng với biết bao câu chuyện kể về cây Trai, Cây Trổ… Tần ngần bên dòng suối, ông Kiệm hướng về dãy 135 rồi lên tiếng “Này, đó là kiềng Du Lý, kia là kiềng chú Đen, còn đây là kiềng của tui…” Tò mò hỏi ra mới biết, “Kiềng” là hầm để trú ẩn mà mỗi người lính phải tự làm cho mình và cứ 3 “Kiềng” sẽ đóng ở ba vị trí của một tam giác thành cái thế như kiềng ba chân để có thể hỗ trợ cho nhau mỗi khi có giặc.
Còn với ông Triết, đoạn suối chảy sát bãi Tân Kim là nơi ông đã ngậm ngùi tiễn biệt 5 đồng đội sau môt trận công đồn vào một đêm trăng. Những người lính ấy đến nay vẫn chưa về với mẹ cho dù đồng đội đã không ít lần băng rừng vượt suối kiếm tìm…Tôi chợt nghĩ, đâu chỉ riêng ông Kiệm và ông Triết, chẳng phải dòng suối La La kia suốt mấy mươi năm rồi vẫn miên man chảy mãi trong nổi niềm thương nhớ khôn nguôi của những người người lính nơi chiến trường Bắc đường Chín một thời khói lửa đó sao!
Nhắc đến dòng suối La La, nhiều người Quảng Trị cứ trào dâng niềm tự hào về một dòng suối của quê hương đã trở nên nổi tiếng qua bài hát “Ơi con suối La La”, bài hát được nhạc sỹ Huy Thục sáng tác ca ngợi trận đánh ngày 28/2/1967 gắn liền với tên tuổi và chiến công của anh hùng Bùi Ngọc Đủ trên đồi Không Tên. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng trước khi trở thành dòng suối của của âm nhạc rồi lan tỏa muôn nơi, suối La La còn có những tên gọi khác nhau và cũng gợi lên bao nỗi niềm thương nguồn nhớ cội. Theo cựu chiến binh Trần Kiệm, đồng bào Vân Kiều ở bản Chùa kể rằng : ngày xưa suối La La có tên gọi là “Khe đá lã”, hay là “Khe đá lửa”, lý do vì con khe nhỏ chảy qua bản Chùa có một loại đá khi dung hai viên chạm mạnh vào nhau thì sinh ra lửa. Vì vậy mọi người thường tìm đến “Khe đá lã” chọn những viên đá tốt nhất mang về để giữ lửa cho ngôi nhà của mình qua năm tháng. Về sau này thì người ta lại gọi “Khe đá lã” thành “khe La Lá”… Dưới ánh sáng màu cam còn sót lại từ ánh mặt trời đang dần khuất sau đỉnh núi, văng vẳng tiếng nước suối róc rách như một lời tâm tình, câu chuyện của người lính già tóc trắng Trần Kiệm tưởng như chắp đôi cánh thiên thần cho người nghe bay qua những đỉnh núi xa mờ mà tìm về với cuộc sống thủa hồng hoang của con người giữa thăm thẳm núi non và cây rừng.
Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, những người lính giao liên và cả những đoàn quân vượt dòng Bến Hải vào Nam đánh giặc hẳn cũng sẽ rất nhớ những địa danh cây Trai và cây Trổ bên dòng suối La La. Một lần ông Trần Kiệm cùng ông Hồ Piên người Vân kiều ở bản Chùa dẫn tôi đến dưới gốc cây trai ngay đầu bản. Giữa một bãi đất rộng, sát ngay một lối đi nhỏ hướng ra phía bờ suối là một cây Trai đã chết khô từ bao giờ nhưng vẫn kiêu hãnh cùng mưa nắng thời gian. Ông Kiệm tựa vào thân cây mắt mơ màng. Những năm tháng quê hương bị giặc Pháp chiếm đóng, bố của ông là chiến sỹ giao liên có nhiệm vụ nhận công văn, thư từ tại điểm bưu điện Bến Thiêng thuộc xã Vĩnh Khê ngày nay, sau đó đi bộ vượt sông Bến Hải, đi qua vùng rừng khe Mướp, Trảng Rộng, Cu Đin, Ba De, lúc vào đến cây Trai thì sẽ dừng chân nghỉ ngơi rồi mới đi tiếp vào Cùa để lên chiến khu Ba Lòng. Ngày ấy tuy còn bé nhưng ông Kiệm vẫn nhớ những câu chuyện mà bố ông hay kể về cung đường người ra đi thì nhiều mà trở về rất ít, nhớ câu ví “Cọp cây Trai, khoai Thượng xá”!
Còn với Hồ Piên, cây Trai đầu bản đã tỏa mát bóng lên tuổi thơ của ông cho đến một ngày mùa Hè định mệnh vào năm 1968. Hôm ấy nghe tiếng trực thăng Mỹ từ phía Đông Hà, Cam Lộ hướng lên bản Chùa, mẹ của ông vội dẫn đàn con chạy lên vách núi cách bản chừng hơn cây số. Nhìn về phía bản, những chiếc máy bay cứ quần thảo rồi lần lượt từng ngôi nhà bị cháy, sau đó chúng xua đuổi và bắn vào đàn trâu hơn 20 con đang trên đường tháo chạy ra bờ suối. Có những con bị trúng đạn chết tại chỗ, nhưng có những con bị thương vẫn cố chạy về phía cây Trai. Đến gần cuối ngày thì cây trai cũng bốc cháy. Hồ Piên kể chuyện mà mắt cứ đăm đăm nhìn lên phía núi, hình như ông đang cố kiếm tìm hình ảnh người mẹ Vân Kiều năm xưa hoảng hốt dắt dìu những đứa con đi tránh giặc.
Hơn nửa thể kỷ chóng chọi cùng mưa nắng, những gì còn lại hôm nay qua từng thớ gỗ vẫn đủ minh chứng sinh động về một cây Trai uy nghi, phong trần, vẫn mãi là một báu vật thiêng liêng của người Vân kiều ở bản Chùa. Hồ Piên cho hay, đã có người muốn đổi một con trâu để lấy cây Trai, lại có người đề nghị trả giá 30 triệu đồng, nhưng dân bản vẫn không bán, không đổi. Vì mọi người bảo rằng nếu mất đi gốc cây trai thì sau này con cháu sẽ không thể biết nơi đâu là vùng đất cây Trai, đâu là vùng đất cây Trổ, vốn là cái gốc của bản Chùa đã tồn tại từ suốt mấy trăm năm qua.

Lại nói về chuyện cây Trổ, theo lời Hồ Piên thì nó nằm sát ngay đầu bãi Tân Kim, gần bên khe Đá Mài. Ông Trần Kiệm thì bảo mình chỉ nghe đồng bào Vân kiều nói về địa danh cánh đồng cây trổ, nơi ngày xưa có một cây Trổ lớn đến mấy người ôm không hết. Bãi Tân Kim, đồng cây Trổ từng là bãi đất hoang, những năm chiến tranh ông Trần Kiệm có lần leo lên ngọn cây ngành ngạnh đếm xe tăng của Mỹ lũ lượt từ Đông Hà kéo lên càn quét. Sau chiến tranh, người dân trở về bắt tay khai hoang đồng cây Trổ để trồng trọt. Thế rồi không may một người bạn của ông Kiệm là ông Trần Dưỡng ở thôn Tân Hòa bị vướng mìn mất một cánh tay. Ông Dưỡng bây giờ vẫn sống ở Tân Hòa nhờ vào gần một ha cao su và một ít ruộng nước, ông tâm sự tuy chưa hết khó khăn nhưng cuộc sống đã bình yên.
Trở lại bản Chùa, lần theo lối đi nhỏ dưới gốc cây Trai, ông Kiệm, ông Piên lại dẫn tôi đi thăm khe Đá Mài, nơi có những tháp đá tự nhiên dựng đứng như những ngọn núi nhỏ. Vùng này ngày xưa từng là nương rẫy của đồng bào Vân Kiều. Hàng năm, cứ đến gần tháng Mười người ta thường dựng những cái chòi nhỏ để giữ lúa. Người giữ lúa chủ yếu là những cô gái vừa đến tuổi lấy chồng, vì thế nhà chòi cũng là nơi hò hẹn của những đôi trai giái. Còn hiện nay khe Đá Mài đã chặn dòng để trở thành hồ thủy lợi Đá Mài. Phía dưới kia bãi Tân Kim, nơi có gốc cây Trổ giờ đã trở thành cánh đồng hai vụ lúa. Tôi lại nghĩ, có lẽ mấy chục năm trước những người nông dân như ông Trần Dưỡng cũng chỉ ước mơ có như vậy!
Khe Đá Mài đã vắt cạn nước cho những thửa ruộng trên cánh đồng Tân kim, Bản Chùa, Ba Thung, Quật Xá, An Thái, Tam Hiệp, Lâm Lang…Ngước nhìn những tháp đá dựng đứng kỳ vĩ, Tôi cứ phân vân, không biết trầm tích thời gian đã lưu dấu ở đây bao nhiêu năm? Ngày xưa ấy nơi đây có bao nhiêu cô gái Vân Kiều đã có được tình yêu vàng đá? Tôi hỏi đá, đá không trả lời, hỏi nước, nước không dừng lại. Chỉ biết rằng dưới tầng sâu kia là đất, là đá, là nước, là cả một miền thăm thẳm ký ức thời gian và nỗi nhớ.

Theo Cổng thông tin điện tử Cam Lộ 


Khám phá Quảng Trị và miền trung với dịch vụ du lịch, cho thuê xe:

Hotline: 0233.3.70 80 90 - Website: https://fiveseasonsholidays.com