Xa quê nhớ món ngon quê miềng – Quảng Trị

Món ngon của vùng đất “gió Lào, cát trắng” tuy dân dã nhưng được một lần thưởng thức thì nhớ mãi không quên hương vị đậm đà không nơi nào có được.

Nhiều năm sinh sống ở mảnh đất Sài Gòn phồn hoa, được thưởng thức không biết bao nhiêu món ăn ngon của nhiều vùng miền trên cả nước. Nhưng có lẽ, đối với người con Quảng Trị xa quê, món ngon dù quý giá, đắt đỏ thế nào đi chăng nữa cũng chẳng thể sánh nổi với những món ăn bình dị nơi quê nhà.

Nỗi niềm ấy ai xa quê cũng hiểu, với anh Đinh Thanh Hải – một người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất “gió Lào, cát trắng” cũng vậy. Đặc sản trong lòng người Quảng Trị xa quê là những món ăn bình dị, giản đơn nhưng vị ngon đậm đà thì không nơi nào có được.

Được sự đồng ý của tác giả Đinh Thanh Hải, chúng tôi trích đăng những dòng tâm tư của anh khi nhắc đến ẩm thực của quê hương:

“Lúc còn sinh viên, nhiều bạn hỏi tôi đặc sản Quảng Trị có gì? Thực sự tôi không biết trả lời sao cho câu hỏi đó. Nhiều lúc bạn cứ hỏi hoài thế là trả lời cho xong chuyện: “Quê ta có đặc sản gió ngoại là gió Lào và cát trắng với nghĩa trang”. Một miền quê quanh năm thiên tai hoành hành, nắng thì cháy cành cây ngọn lá, mưa thì ngâm úng bao nhiêu ruộng lúa với ngô khoai. Cơn bão đi qua rồi cơn bão khác đến, nghèo rồi lại nghèo hơn. Sau khi chia tỉnh Bình Trị Thiên ra làm 3 tỉnh: Thừa Thiên Huế + Quảng Trị + Quảng Bình, thì Quảng Trị chỉ còn lại cát với nắng gió. Miền quê sao mà cơ cực mãi không thôi, nhìn quanh ở đâu cũng thấy khó khăn cực khổ, chẳng thấy cái gì là đặc sản mà khoe với bạn bè.

Bánh ướt Phương Lang và lòng thả. (Ảnh: Đinh Thanh Hải)

Sau này vào Sài Gòn sinh sống, tôi mới bắt đầu thèm những món ăn xưa mạ hay nấu. Từ những trái mít non mạ làm thành món canh mít và lá lốt, rồi sợ con ngán mạ đổi qua làm mít thấu, mít hấp chấm nước mắm mặn.

Cây môn sau vườn thì ngâm chua để ăn dần khi mùa mưa gió, vắt môn ngâm chua chấm nước mắm sao mà ngon, rồi có khi kho với tóp mỡ. Quê xưa món gì cũng chấm nước mắm hay muối ớt thật cay, để khi ăn nước bọt tiết ra cho dễ nuốt cơm. “Chặt to kho mặn” là câu mà xưa tôi nghe bà con nói hoài.

Nói thật, xưa nhiều món ăn hoài làm tôi ngán, có những món như bí đỏ nấu canh là tôi không bao giờ ăn, mặt mày cau có làm mạ phải năn nỉ: “Ăn tạm đi con, chờ mưa gió hắn dzợ đi rồi mạ ra chợ mua món ngon nghe”. Riêng chuyện chăm sóc tổ ấm thì không ai bằng mạ, bữa ăn của gia đình lúc nào cũng ngon, y như gia đình giàu có vậy. Mạ siêng làm bánh lọc, nấu cháo bánh canh, rồi cực nhất là làm bánh xèo vì đi xay bột rồi làm nhân và đổ từng cái.

Tô lòng sả, có nơi gọi lòng thả. (Ảnh: Đinh Thanh Hải)

Sống ở Sài Gòn xa quê là vậy, nhưng rất may vẫn có quán ẩm thực Quảng Trị cho tôi cùng bà con thưởng thức, ăn cho bớt chút lòng nhớ quê, nhớ bữa cơm gia đình. Cứ nghe nơi nào có quán miền Trung ngon là tôi lần tìm, không kể xa hay gần.

Ở nơi này bà con miền Trung sinh sống rất đông, nên quán miền Trung nhiều lắm, lúc đầu cứ tưởng chủ miền Trung là người Huế, hỏi ra thì toàn quê Quảng Trị cả. Trong những quán tôi thường hay ghé có quán ở đường Núi Thành (quận Tân Bình) và quán có món bánh ướt Phương Lang của em Nguyễn Đức Nhật Thuận – chàng trai dám bỏ chỗ làm lương trên 10 triệu để bán bánh ướt, bánh lọc…, mang ẩm thực Quảng Trị vào mảnh đất Sài Gòn.

Bây giờ nếu ai đó hỏi tôi “đặc sản Quảng Trị có những gì?”, thì tôi có thể trả lời không suy nghĩ, ngoài “cát trắng với gió Lào hay nghĩa trang” thì Quảng Trị có những món ngon đặc sắc như: Bánh ướt Phương Lang, bánh khoái, lòng thả, thịt vịt kho sả, chắt chắt xào, bánh canh, bánh lọc, rau xà lách xoong xào thịt bò, thịt Trâu lá trơng… riêng món canh ám làng Lam thì tôi chưa được ăn bao giờ, sẽ tìm để thưởng thức xem sao.

Có lẽ đồng nghiệp trong công ty tôi đã nghiền món bánh ướt Phương Lang rồi, lâu lâu cứ nhờ đặt giúp. Hôm nay tôi đặt 6 phần, thế rồi người khác thấy thèm và muốn ăn, tôi phải nhường ngay. Bị mất phần ăn thế mà tôi vẫn vui mới lạ…”.

Có thể nói, những món ăn Quảng Trị đã làm phong phú thêm ẩm thực đất Sài thành và cũng là nơi những người con xa quê tìm đến cho vơi nỗi nhớ quê hương. Vậy nên, sẽ chẳng ai có thể phủ nhận nếu một người sành ăn khen nức nở hương vị đậm đà của món ngon xứ Quảng. Còn đối với những người con xa quê hương, món ngon lại càng thêm phần đặc biệt khi chứa đựng rất nhiều kỷ niệm của một thời thơ ấu.

Một số đặc sản Quảng Trị được tác giả bài viết nhắc đến:

Thịt trâu lá trơng

Thịt trâu lá trowng. (Ảnh: Yolo Travel)

Từ thịt trâu non người dân kết hợp cùng lá Trơng – một loại lá dại có gai ở vùng núi Quảng Trị, có vị thơm nồng và cay rất đặc trưng. Thịt trâu non kết hợp cùng lá Trơng tạo nên một hương vị rất đặc biệt và được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, trong đó nổi bật nhất là hai món nướng và xào.

Bánh ướt Phương Lang

Bánh ướt Phương Lang. (Ảnh: Vntrip)

Bánh ướt Phương Lang là một trong những món ăn nổi tiếng Quảng Trị. Món bánh này gắn với làng nghề bánh ướt Phương Lang đã có cách đây cả thế kỷ về trước. Bánh ướt Phương Lang cũng làm từ gạo nhưng lại mang vị thơm ngon khác biệt. Một chiếc bánh ướt Phương Lang cuốn thêm miếng thịt, thêm vài lát rau sống rồi chấm vào chén mắm cay nồng. Vị béo ngậy của thịt, vị cay của ớt và bùi bùi, ngòn ngọt của bánh ướt khiến người ta ăn hoài không chán.

Rau xà lách xoong

Rau xà lách xoong trộn thịt bò. (Ảnh: Giadinh.net.vn)

Các món ăn ở Quảng Trị có nhiều món sử dụng rau xà lách xoong. Rau xà lách xoong hay còn gọi với tên khác là rau liệt. Loại rau này là một trong những thực phẩm có tính giải nhiệt được người dân Quảng Trị ưa chuộng. Rau xà lách xoong có thể chế biến thành nhiều món, nhưng ngon nhất có lẽ phải kể đến rau xà lách xoong trộn thịt bò xào. Thịt bò xào chín tái trộn đều với rau còn tươi nguyên ăn vừa lạ miệng, vừa bổ dưỡng lại thanh mát.

Chắt chắt xào

Chắt chắt xào. (Ảnh: Amthuccuoituan)

Chắt chắt xào là món ngon của làng Mai Xá (Gio Linh, Quảng Trị). Sau khi bắt về, phần ruột chắt chắt hay còn gọi là dắt dắt (có họ hàng với ngao, hến) được người dân cho vào phi thơm với hành mỡ cho thật săn, rồi dọn ra đĩa ăn kèm bánh tráng. Khi ăn, chỉ cần bẻ miếng bánh tráng xúc một ít thịt chắt chắt đưa vào miệng, vị ngọt của chắt chắt, giòn giòn của bánh tráng, thơm thơm của hành phi tạo nên hương vị thật khó quên.

Bánh canh

Bánh canh. (Ảnh: Yolo Travel)

Món cháo bánh canh hay còn có tên gọi đặc biệt khác là cháo vạt giường. Để làm món ăn này, người ta dùng bột gạo hay bột lọc xay nhuyễn, cán mỏng và thái thành từng sợi nhỏ. Một nguyên liệu khác tạo nên hương vị đặc trưng của cháo vạt giường chính là độ ngọt của cá lóc. Vị ngọt, béo ngậy của thịt cá hòa cùng độ dai của từng sợi bột gạo, thêm chút hành, tiêu cho dậy mùi thì thơm ngon khó cưỡng.

 

Ngọc Nguyễn (ghi)


Khám phá Quảng Trị và miền trung với dịch vụ du lịch, cho thuê xe:

Hotline: 0233.3.70 80 90 - Website: https://fiveseasonsholidays.com