Trồng cao dược liệu xuất đi Mỹ

Cao dược liệu nấu từ cây an xoa tại huyện Cam Lộ sẽ được xuất khẩu đi Mỹ vào cuối tháng 12 này.

Vườn trồng dược liệu nhìn từ trên cao

Huyện Cam Lộ có gần 100 ha cây dược liệu các loại, trong đó, 70 ha cây chè vằng, 15 ha cà gai leo, 3,5 ha cây an xoa, một ha cây ba kích tím, còn lại là cây đinh lăng, hà thủ ô, sâm bố chính…

Trang trại cây dược liệu An Xuân, đặt tại xã Cam Tuyền, với diện tích 5 ha, gồm các mảnh đất trồng dược liệu, nhà ươm, hồ chứa nước, nhà nấu cao và nhà chứa máy chiết tách.


Khoảng 10 năm trở lại, nghề trồng cây dược liệu nấu cao phát triển ở huyện Cam Lộ. Ban đầu, người dân chọn cây chè vằng nấu cao, bán sản phẩm làm nước uống. Sau này, nhiều cây khác được lựa chọn như cà gai leo, an xoa… Phần lớn các cây dược liệu này có nguồn gốc tự nhiên, người dân chọn giống rồi trồng theo hướng hữu cơ.


Từ năm 2019, các cơ sở chế biến nấu thêm cao an xoa. Cây an xoa có tên khoa học là Helicteres hirsuta Lour, thuộc họ sterculiaceae. Ngoài tên an xoa, có nhiều địa phương còn gọi với tên khác là cây dó lông, tổ kén cái, thâu kén lông.

An xoa có nguồn gốc tự nhiên, mọc ở vùng đồi núi. Ban đầu, người dân vào rừng cắt cây an xoa về bán cho các cơ sở chế biến cao với giá 3.500 đồng mỗi kg tươi.

Đầu năm 2020, huyện Cam Lộ nhân giống an xoa, phát triển được 3,5 ha.

Chị Nguyễn Thị Hậu, Trưởng thôn Quật Xá (xã Cam Thành), cho hay thôn này trồng được 0,6 ha an xoa. Cây này có hai giống hoa đỏ và hoa trắng, trong đó hoa đỏ có hàm lượng dược liệu cao hơn.

Sau 6 tháng, cây cao hơn một mét, cho thu hoạch bằng cách cắt tất cả cành lá cách gốc 15 đến 20 cm. Theo hợp đồng, mỗi kg an xoa tươi được cơ sở thu mua với giá 10.000 đồng.


Tất cả cây dược liệu ở Cam Lộ đều trồng theo hướng hữu cơ, không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Các luống cây được phủ bạt nylon hạn chế cỏ dại, sâu bệnh, có hệ thống tưới nước nhỏ giọt đến từng luống.

Thân và cành cây an xoa được băm nhỏ, phơi khô và rửa sạch trước khi đưa vào nấu cao.

Hai nồi nấu cao tại cơ sở sản xuất An Xuân. 100 kg nguyên liệu khô cho khoảng 10 kg cao. Mỗi mẻ cao từ khi cho nguyên liệu vào nồi cho đến khi thành phẩm mất hơn một ngày đêm.

Cao an xoa dạng lỏng này sẽ tiếp tục được sấy thăng hoa trong 40 tiếng trước khi đóng gói để xuất đi Mỹ.

Dự kiến, cuối tháng 12/2021, lô hàng một tấn cao an xoa, trị giá 1,7 tỷ đồng của nhiều cơ sở sản xuất ở huyện Cam Lộ được xuất đi Mỹ. Đây là lô dược liệu thứ 2 xuất đi Mỹ trong năm 2021.

Chị Trần Lê Quỳnh Diễm, Giám đốc công ty An Xuân, cho hay công ty này chú trọng tất cả các khâu, từ chọn mua nguyên liệu đầu vào, sơ chế cho đến công đoạn làm sạch, chiết nấu, đóng gói thành phẩm để đảm bảo sản phẩm phải thực sự chất lượng, đủ hàm lượng dược chất theo yêu cầu của đối tác.


Thùng ngâm đậu nành và chế phẩm sinh học để làm phân bón cho cây dược liệu.

Từ nay đến 2025, huyện Cam Lộ quy hoạch vùng chuyên canh cây dược liệu diện tích 500ha, gồm: 100 ha chè vằng, 200 ha cây an xoa, 50 ha cà gai leo, 100 ha cây tràm năm gân và 50 ha cây dược liệu các loại khác.


Sản phẩm cao chè vằng được người dân đóng gói, tiêu thụ nhiều tỉnh thành trong nước.

Phó chủ tịch UBND Cam Lộ Trần Hoài Linh cho hay huyện hướng đến trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh Quảng Trị. “Cao an xoa xuất đi Mỹ là tín hiệu tích cực trong nỗ lực phát triển cây dược liệu của huyện”, ông Linh nói. Sản phẩm này trải qua quá trình kiểm nghiệm khắt khe và đáp ứng 21 tiêu chí.


Cao an xoa pha với nước ấm, tỏa mùi thơm bốc lên cùng hơi nước, có vị đắng nhẹ, dễ uống. Từ lâu, người dân Cam Lộ dùng cây an xoa nấu nước uống, hỗ trợ chữa một số bệnh về gan, thải độc cơ thể, cải thiện mất ngủ…

Theo VNE


Khám phá Quảng Trị và miền trung với dịch vụ du lịch, cho thuê xe:

Hotline: 0233.3.70 80 90 - Website: https://fiveseasonsholidays.com