Thành cổ Quảng Trị “mùa hè đỏ lửa” 1972: Mỗi tấc đất là một cuộc đời

Thành cổ Quảng Trị “mùa hè đỏ lửa” 1972 là một túi bom, mỗi mét vuông đất mà chiến sỹ ta giành được ở Thành Cổ Quảng Trị thực sự là một mét vuông máu. Hàng ngàn chiến sỹ đã hi sinh tại đây vẫn chưa lấy được hài cốt vì khói lửa bom đạn quá nhiều. Xương máu, linh hồn và tên các anh đã hóa thân thành hình hài đất nước ngày nay.
Hiệp định Giơnevơ được ký kết ngày 20/7/1954, theo hiệp định lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới chia cắt tạm thời. Một phần của Quảng Trị từ Sông Bến Hải trở ra được giải phóng, các huyện từ Gio Linh trở vào Hải Lăng trở thành thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ. Thị xã Quảng Trị, trong đó có Thành Cổ Quảng Trị trở thành trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế – xã hội. Mỹ – ngụy biến Thành Cổ thành khu quân sự, làm kho tàng quân đội và trung tâm chỉ huy chiến dịch toàn tỉnh, đồng thời mở thêm nhà giam để đàn áp phong trào cách mạng.

“Một khẩu súng giữ hai trời Nam Bắc,
Một dấu chân in màu đất hai miền”.

Thành cổ Quảng Trị trong những năm tháng lịch sử

Quảng Trị “mùa hè đỏ lửa” năm 1972

Riêng ở khu vực thị xã Quảng Trị, tổng số bom đạn mà Mỹ sử dụng trong 81 ngày đêm bằng sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Nhật bản. Có ngày số bom Mỹ ném ở Quảng Trị vượt xa số bom Mỹ ném trên toàn miền Nam trong các năm 1968-1969.

Dữ dội nhất là ngày 25/7, thị xã phải chịu 35.000 quả đạn pháo của Mỹ, chưa kể bom từ máy bay. Thành cổ Quảng Trị chỉ rộng 3 km vuông và vùng ven có ngày phải chịu hơn 20.000 quả đạn đại bác cỡ lớn. Với việc huy động một số lượng bom đạn khổng lồ, quân Mỹ hoàn toàn có ưu thế áp đảo về hỏa lực.

Trận Thành cổ Quảng Trị là một trận chiến giữa một bên là Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được sự hỗ trợ về hậu cần của Quân đội Nhân dân Việt Nam với một bên là Quân đội Hoa Kỳ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại khu vực thành cổ Quảng Trị vào năm 1972. Đây là một trong những trận chiến ác liệt bậc nhất trong Chiến dịch Xuân Hè 1972, một phần của Chiến tranh Việt Nam.

Trận chiến kéo dài trong suốt 81 ngày đêm, sau khi liên tiếp tung vào các đơn vị bộ binh cũng như sử dụng một lượng hỏa lực bom đạn cực kỳ lớn, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa đã thành công trong việc tái chiếm lại Thành cổ nhưng vẫn không thể giành lại nửa Bắc của tỉnh Quảng Trị.

Tuy vậy về mặt chiến lược, sự kháng cự mạnh mẽ của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam với sự hỗ trợ về hậu cần của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã khiến kế hoạch tái chiếm thành cổ của đối phương bị kéo dài tới 3 tháng so với kế hoạch ban đầu là 2 tuần.

Năm 1972, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tổ chức tổng tấn công trên 3 chiến trường chính: Quảng Trị, Bắc Tây Nguyên, và Đông Nam Bộ (Bình Long), trong đó hướng chủ yếu là tỉnh Quảng Trị. Lúc này Hội nghị Paris đang ở thế có lợi cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau khi Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đẩy lùi được Chiến dịch Lam Sơn 719 của Quân lực Việt Nam Cộng hòa cùng các chiến thắng khác của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam ở Đắk Tô, Bắc Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Sức ép về việc phải giành được một chiến thắng có tính biểu tượng lên Quân lực Việt Nam Cộng hòa và Quân đội Hoa Kỳ nhằm lấy lại thế thượng phong trên bàn đàm phán ngày một gia tăng. Thành cổ Quảng Trị nằm gần Quốc lộ 1, đây là tiền đồn phòng thủ của Vùng I chiến thuật của Việt Nam Cộng hòa. Giành được Thành cổ sẽ có giá trị lớn về tính biểu tượng.

Tin tức về việc Quảng Trị rơi vào tay Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tác động mạnh mẽ tới chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Ngày 25 tháng 5 năm 1972, Tổng thống Thiệu đưa ra cam kết bằng mọi giá tái chiếm Quảng Trị cũng như trách móc phía Hoa Kỳ đang bỏ rơi đồng minh. Lúc này, trong Quốc hội Hoa Kỳ, tiếng nói đòi rút quân Mỹ khỏi Việt Nam ngày càng gia tăng.

Ngày 28 tháng 6 năm 1972, tướng Ngô Quang Trưởng phát lệnh khởi binh chiến dịch Lam Sơn 179 trên hai hướng. Chiều 28 tháng 6, sau khi vượt sông Mỹ Chánh, QLVNCH đã cô lập được một bộ phận của các sư đoàn 304 và 308 QĐNDVN ở nam Sông Mỹ Chánh.

Hướng Đông, ngày 29 tháng 6, các lữ TQLC 147 và 258 tấn công các khu vực Diên Khanh, Xuân Viện, Kim Giao (thuộc huyện Hải Lăng), phối hợp với Lữ TQLC 369 từ Mỹ Thủy và Cổ Lũy đánh ra. Từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 7, sau khi nhổ từng chốt chặn của QĐNDVN trên khoảng cách từng hecta một, chịu thương vong hơn 300 quân, Lữ dù 1 và Liên đoàn 1 Biệt động quân đã có mặt ở ngoại vi thị xã Quảng Trị nhưng không lọt vào được.

Ngày 7 tháng 7, Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 48) QĐNDVN sử dụng Đại đội 9, tăng cường 1 trung đội của Đại đội 10, với một trung đội địa phương và 3 xe tăng, được Trung đoàn pháo 45 chi viện trực tiếp, tiến hành phản kích đối phương ở phía Đông La Vang Hữu. Quân VNCH thấy xe tăng bất ngờ xuất hiện, nên đội hình rối loạn. QLVNCH bị thương vong hàng trăm binh lính, bị bắn cháy hai xe tăng và bị đánh bật ra khỏi khu vực La Vang Hữu. QĐNDVN bị hỏng hai xe tăng, một chiếc do bắn nhầm và một chiếc bị phá do bom.

Hình ảnh hai cha con người dân địa phương không quản ngại gian lao đưa các chiến sĩ vào Thành cổ chiến đấu.

Đến lúc này, thời hạn chiếm lại Thành Cổ mà Mỹ hoạch định đã sắp hết, nhưng đà tiến vẫn bị chặn đứng. Quân Mỹ liền tăng cường hỏa lực, nâng tổng số đạn pháo đánh phá thị xã từ 8.000 viên/ngày lên 15.000 viên/ngày, cao điểm có ngày lên tới 30.000 viên/ngày, sử dụng 40 đến 60 lần/chiếc máy bay phản lực một ngày, dùng bom khoan đánh phá hầm hào tường thành, tăng số phi vụ máy bay B-52 ném bom dọc bờ tả ngạn sông Thạch Hãn và hậu phương để ngăn chặn QĐNDVN tăng cường quân số, vận chuyển tiếp tế.

Ngày 13 tháng 7, một máy bay trực thăng chở đại tá Nguyễn Trọng Bảo, tham mưu phó sư đoàn dù và 8 sĩ quan tham mưu đi đốc thúc việc cắm cờ hòng gây thanh thế tại bàn đàm phán ở Paris. Chiếc trực thăng bị một trận địa súng máy 12,7 mm của QĐNDVN do Bùi Trung Thành chỉ huy tiêu diệt ngay tại thị xã Quảng Trị cùng tất cả số sĩ quan trong trực thăng. Rạng sáng 14 tháng 7, một đội biệt kích đột nhập vào phía đông Thành cổ với ý định cắm cờ và chụp ảnh để có lý do tuyên truyền, nhưng chưa kịp cắm thì bị đại đội 14 trung đoàn 48 phát hiện và tiêu diệt một số, số còn lại phải bỏ chạy để lại lá cờ.

Ý định của QLVNCH là chiếm thị xã trước ngày 13 tháng 7 để chiếm thế thượng phong tại Hội nghị Paris đã không thực hiện được. Thương vong mỗi bên lên đến hàng nghìn người. Sau mười ngày liên tục tiến công Thị xã, sư đoàn dù chịu tổn thất khá lớn. QLVNCH bị thương vong 1.071 binh lính, tiểu đoàn dù 1 và 5 bị tổn thất nặng, bị cháy 3 xe tăng, rơi 2 máy bay (1 phản lực, 1 trực thăng) và bị phá hủy nhiều vũ khí phương tiện kỹ thuật khác.

Ngày 14 tháng 7, Sư dù và Sư TQLC-QLVNCH tổ chức tấn công đợt 2 nhằm chiếm thị xã trước ngày 18 tháng 7 và cùng lắm phải trước ngày 27 tháng 7. Lữ dù 1 đánh Quy Thiện, Trì Bưu, Lữ dù 2 đánh Tích Tường, Như Lệ. Các lữ TQLC 147 và 369 tiến sát sông Vĩnh Định, chiếm An Tiêm, Nại Cửu và Bích La Đông.

Trong trận này, Lữ 369 TQLC tổn thất 2 đại đội và 11 trực thăng ở Nại Cửu. Đến ngày 16 tháng 7, Lữ dù 1 đã chiếm được các làng Trì Bưu, Cổ Thành; Trung đoàn 18 (Sư 325) bị tổn thất nặng phải rút ra Ái Tử – Đông Hà, Bộ tư lệnh B5 điều Trung đoàn 95 (Sư 325) vào thay. QLVNCH đã hình thành thế bao vây ba mặt quanh thị xã Quảng Trị nhưng chưa vào được nội đô.

Từ ngày 25 đến ngày 27 tháng 7, tướng Lê Quang Lưỡng tung lực lượng dự bị cuối cùng (Liên đoàn biệt kích dù 81) vào chiến đấu, chiếm được các làng Trì Bưu, Cổ Thành. Tiểu đoàn biệt kích dù 27 tiến sát góc Đông Nam Thành cổ nhiều lần lao lên định cắm cờ lên tường thành nhưng đều bị Trung đoàn 48 đẩy lùi. Hai bên tổn thất lớn về sinh mạng.

Ngày 28 tháng 7, thời hạn đánh chiếm thị xã Quảng Trị và thành cổ đã hết, tướng Ngô Quang Trưởng quyết định dừng cuộc tấn công của Sư đoàn dù, chuyển giao nhiệm vụ đánh chiếm thị xã Quảng Trị cho Sư đoàn thủy quân lục chiến. Trong tháng 7, mỗi ngày Không lực Hoa Kỳ huy động từ 40 đến 60 phi vụ B-52, 130 đến 150 phi vụ máy bay cường kích yểm hộ mặt đất cho QLVNCH.

Ngày 5 tháng 8, Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 QĐNDVN cùng đơn vị bạn đã tập kích diệt 1 đại đội quân đối phương ở Hạnh Hoa, đánh thiệt hại 3 đại đội khác, bắn cháy 5 xe tăng. Đơn vị được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Từ hạ tuần tháng 7 đến 15 tháng 9, Trung đoàn 88 sư đoàn 308 bảo vệ khu vực Tây nam Thành cổ, giữ vững trận địa từ khu vực trường Bồ Đề, khu Đệ Ngũ, ngã ba Bãi Đá, khu Cầu Sắt, khu Long Hưng đến La Vang và đồn Gia Long. Trung đoàn đã đánh hơn 100 trận lớn nhỏ, trong đó có 50 trận cấp đại đội đến trung đoàn, tiêu diệt 1.670 binh lính đối phương, bắn cháy 16 xe tăng, thu nhiều vũ khí đạn dược.

Trung tuần tháng 8 năm 1972, Bộ Tư lệnh B5 QĐNDVN quyết định giao nhiệm vụ cho sư đoàn 325 chỉ huy lực lượng phòng thủ Thành cổ Quảng Trị. Tiêu biểu như trận đêm 24 tháng 8, một phân đội đặc công Sư đoàn 325 đã luồn sâu đánh sở chỉ huy tiểu đoàn thủy quân lục chiến ở An Lưu, diệt 80 lính đối phương, bắn cháy 2 xe tăng, 2 nhà bạt, phá 1 trận địa súng cối.

Từ ngày 20 đến ngày 30 tháng 8 năm 1972, các chốt trong thị xã đều được Quân đội Nhân dân Việt Nam giữ vững. Đêm đêm, họ tập kích ở Tri Bưu, ở Thạch Hãn, chùa Bà năm, diệt một số đối phương khiến quân Việt Nam cộng hòa không tiến được.

Quân số của họ bổ sung vào Thành đều đặn theo kế hoạch. Mỗi đêm vào trung bình được 40-50 người (đã trừ số người đào ngũ, lạc ngũ hoặc bị thương từ bên kia bờ sông, chiếm khoảng 30-40%). Hàng ngày thuyền gắn máy hậu cần từ Tả Kiên vào thành đều tiếp tếlương thực, đạn dược, thuốc men, kể cả quà Quốc khánh từ hậu phương tới. Dù vậy, do áp lực liên tục từ đối phương, giao thông hào chiến đấu bị bom đạn bắn phá liên tục, nên hệ thống phòng thủ ngày càng lỏng lẻo. Tân binh được tăng cường cho các đơn vị phòng thủ chỉ đủ để bù đắp số thương vong trong chiến đấu.

Ðợt từ ngày 4 đến ngày 6 tháng 9 năm 1972, trời mưa to, nước sông Thạch Hãn lên nhanh, chảy xiết, ảnh hưởng đến tăng cường cung cấp và quân số. Có đêm trôi dạt hàng chục chiến sĩ vượt sông. Công sự chốt bị sụt lở nhiều. Bộ đội tiếp tục giữ các chốt trên các hướng. Tiểu đoàn 4 trung đoàn 95 tập kích khu tam giác Thạch Hãn, chiếm một số công sự của VNCH, cải thiện thế phòng thủ ở đó. Tiểu đoàn đặc công mặt trận phối hợp với đại đội đặc công sư đoàn 325 chuẩn bị đánh khu quận lỵ Mai Lĩnh nhưng thất bại.

Ngày 4 tháng 9 năm 1972, trung đoàn bộ binh 88 thuộc sư đoàn 308 Quân đội Nhân dân Việt Nam rút khỏi khu Thạch Hãn tây và khu giáp sông ở thôn Ðệ Ngũ – trường Bồ Đề làm sườn phía nam bị hở. Một số thành viên trung đoàn 88 trong đó có trung đoàn phó Phan bị thương tạt vào sở chỉ huy Thành cổ. Bộ chỉ huy quyết định tổ chức đưa số này vượt sông lũ ra hậu phương. Để đối phó với tình hình quan trọng này, họ sử dụng một bộ phận tiểu đoàn 7, trung đoàn 18 và tiểu đoàn 4, trung đoàn 95 ra chiến đấu thay thế trung đoàn 88 ở khu vực đó để giữ sườn phía nam thị xã.

Ngày 7 tháng 9 năm 1972, Quân lực Việt Nam Cộng hòa tiến công đợt 6, mở đầu bằng đòn tập kích hỏa lực “Phong lôi 2”.Không quân, hải quân Hoa Kỳ, pháo binh Việt Nam Cộng hòa bắn suốt 48 giờ liền vào tất cả các trận địa của Quân đội Nhân dân Việt Nam, tập trung đánh vào khu Thành cổ, các bến vượt sông, đường cơ động lực lượng và vận chuyển.

Oanh tạc cơ B-52 rải thảm tả ngạn sông Thạch Hãn, tập trung vào khu Nhan Biều-Ai Tử và các trận địa pháo của đối phương. Tính toàn bộ trong 81 ngày đêm của trận Thành cổ, các lực lượng Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã dội xuống địa điểm thị xã (rộng chưa đầy 3 km²) và vùng lân cận tổng cộng 120.000 tấn bom đạn, trong đó mỗi ngày có từ 70 đến 90 lượt máy bay ném bom B52 tham chiến.

“Đây là kế hoạch chi viện hỏa lực cao nhất của Mỹ trong một trận đánh. Tính từ ngày 9 tháng 9 đến ngày 16 tháng 9, Mỹ sử dụng pháo hạm bắn 123.725 viên đại bác vào thị xã (trong đó có 52.573 viên vào Thành cổ); sử dụng 2.244 lần chiếc máy bay ném bom, trong đó có ngày huy động tới 100 lần chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52.”

Đêm 7 tháng 9, tiểu đoàn 2 trung đoàn 48 Quân đội Nhân dân Việt Nam tập kích khu Hành Hoa, chiếm một số công sự, cải thiện thế phòng thủ ở Tri Bưu. Tiểu đoàn 5 trung đoàn 95 tập kích khu nhà thờ Tin Lành, thương vong một số (tiểu đoàn trưởng đơn vị này cũng chết) nhưng đã chiếm được.

Đây là tấm hình chụp lại niềm vui vô bờ bến của những người lính trẻ khi chiếm được một cứ điểm của địch ở Thành cổ.

Sáng ngày 9 tháng 9 năm 1972, lữ đoàn 147 và 259 Thủy quân Lục chiến (TQLC) của Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã khởi động cuộc tấn công lớn. Quân VNCH sử dụng gồm hai lữ đoàn với năm mũi, tiến công từ ba hướng vào thị xã. Họ tập trung xe tăng, xe thiết giáp, súng phun lửa để tái chiếm thành cổ.

Đồng thời với việc Quân lực Việt Nam Cộng hòa tiến công khu La Vang-Tích Tường-Như Lệ để chặn sư đoàn 308 phản kích từ hướng này, liên đoàn biệt động 1 VNCH cũng tiến công Bích Khê-Nại Cửu để chặn sư đoàn 320 QĐNDVN hoạt động từ bắc sông Vĩnh Ðịnh.

Nhiều trận phản kích ác liệt của bộ đội ở ngay sát chân Thành cổ đã đánh bật nhiều mũi tiến công. Ngày 9 tháng 9, một trung đội VNCH lọt vào thành cổ, bị K3 Tam Đảo phản kích dữ dội tháo chạy, để lại 11 xác chết. Cũng ngày hôm đó tại khu Hạnh Hoa, QĐNDVN diệt một đại đội, đánh thiệt hại nặng một đại đội khác thuộc lữ đoàn thủy quân lục chiến 147, bắn cháy 5 xe bọc thép. QĐNDVN mất 13 người, bị thương một số. Sau trận này, K3 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Tiểu đoàn 4 trung đoàn 95 QĐNDVN chặn đánh 3 tiểu đoàn đối phương ở khu Tin Lành, quyết liệt giành đi giật lại từng công sự. Quân lực Việt Nam Cộng hòa thiệt hại một đại đội, nhưng chiếm được khu Mỹ Tây. QĐNDVN bị thương vong 30 người, hỏng một cối 82 ly, một súng 12 ly 7, một đại liên, một B-40, một B-41. Đến đêm 9 tháng 9, tiểu đoàn 4 cùng tiểu đoàn 5 trung đoàn 95 QĐNDVN tập kích chiếm lại khu Mỹ Tây, đẩy Quân lực Việt Nam Cộng hòa chạy về nam sông con. Đêm 9 tháng 9, sau khi được củng cố, K8 vào thành.

Ngày 10, 11, 12 tháng 9 năm 1972, QLVNCH tiếp tục lấn dũi mạnh từ hướng nam-đông-nam. Nhiều toán nhảy vào thành nhưng đều bị tiêu diệt. Quanh Thành cổ, dưới hào nước, xác chết trương phềnh, mùi hôi thối xông lên nồng nặc.

Ngày 10 tháng 9, QLVNCH có xe tăng chi viện khu Mỹ Tây, Trường Nữ, Trại giam. Tiểu đoàn 4 trung đoàn 95 QĐNDVN đánh trả ác liệt, giữ vững chốt bắn hỏng một xe tăng, hai đại liên, thu một M79 và nhiều lựu đạn, nhưng cũng bị chết 6, bị thương 49. Đêm 10 tháng 9, QĐNDVN cho tiểu đoàn 4 ra ngoài củng cố, dùng tiểu đoàn 5 trung đoàn 95 thay thế, chiến đấu ở Tây-Nam Thành cổ.

Tính chung trong ngày 10-9, cả ở hướng Nam-Đông Nam, Bắc-Đông Bắc, trên toàn khu vực Thị xã, QĐNDVN diệt hơn 200 binh lính đối phương, bắn cháy 1 xe tăng, nhưng cũng bị thương vong 126 người và để mất khu trại giam và Mỹ Tây. Trong 2 ngày 11 và 12, QĐNDVN diệt hơn 518 binh lính đối phương, nhưng cũng bị thương vong 216 người. Đêm ngày 12, QĐNDVN tăng cường vào Thành Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48 (201 người) và 70 tân binh.

Ngày 13-9-1972, trời mưa to, lũ lớn, hạn chế nhiều đến việc tăng cường lực lượng (quân số, vật chất kỹ thuật cho Thị xã). QLVNCH sau 4 ngày liên tục tiến công lấn dũi, vẫn chưa chiếm được Thành, nhưng 6 tiểu đoàn thuộc 2 lữ đoàn Thủy quân lục chiến đã áp sát ba góc Thành cổ: Nam, Đông Nam, Đông Bắc. Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 95 và Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 18 chiến đấu quyết liệt, giằng co với đối phương từng khu vực, góc tường, mảnh vườn. Kết quả trong ngày, QĐNDVN diệt 123 lính, bắn cháy 1 xe tăng, bị thương vong 34 chiến sỹ.

23 giờ ngày 13 tháng 9, Bộ Tư lệnh B5 (QĐNDVN) lệnh cho trung đoàn phó trung đoàn 48, và tiếp sau đó vài giờ, vào 1 giờ sáng 14 tháng 9 lệnh cho Đại tá Nguyễn Việt chỉ huy trưởng Thành ra ngay Nhan Biều để cùng sư phó sư đoàn 325 tổ chức lực lượng trung đoàn bộ binh 18 vào phản kích trong thành.

Ngày 14 tháng 9 năm 1972, từ hướng đông-nam, QLVNCH tiến sát khu chùa Bà Năm, khu trại giam, chợ. Từ hướng nam, họ vào khu Mỹ Tây, Trường Nữ. QĐNDVN chống trả quyết liệt, vẫn giữ vững các chốt, nhưng bị thương vong nhiều. Mặt trận B5 điều một đại đội xe tăng đến Nhan Biều để làm công sự cố định bắn chi viện sang Thành nhưng sau đó do khó khăn địa hình nên chưa bố trí được ngay.

4 ngày dùng bộ binh liên tục từ ba hướng tấn công vào, nhưng QLVNCH vẫn không chiếm được thành, họ quay ra củng cố công sự và bao vây thành từ ba phía, đồng thời điều cả xe tăng phun lửa liên tục tấn công vào các chốt của QĐNDVN. Chốt chiến đấu của QĐNDVN có điểm chỉ cách địch 50 m.

“K3 – Tam Đảo còn, Thành cổ Quảng Trị còn”

Ngày 14-9-1972, sau khi dùng xe tăng phun lửa dữ dội vào các chốt phòng thủ, quân VNCH tấn công vào thành. Tiểu đoàn phòng thủ lúc này chỉ còn gần 20 tay súng, quyết tâm thực hiện lời thề danh dự: “K3-Tam Đảo còn, Thành cổ Quảng Trị còn”, với B-40, B-41, lựu đạn, nổ súng đánh trả quyết liệt vào đội hình của TQLC, buộc quân VNCH phải rút chạy. 2 giờ chiều, một toán khác vào thành từ góc đông nam liền bị các tay súng của đại đội 9 QĐNDVN đánh bật ra.

Đến 18 giờ, lợi dụng lúc trời chạng vạng tối, từ ba góc, TQLC lại tiếp tục mở đợt tấn công dữ dội vào thành. Được sự chi viện của K8 và các tay súng của trung đoàn 48 Sư đoàn 320, tiểu đoàn đã ngoan cường chiến đấu, đánh bật quân VNCH ra khỏi thành.

Rạng sáng ngày 13 tháng 9/1972, đại đội 5 tiểu đoàn 2 QLVNCH từ ngã tư Quang Trung – Trần Hưng Đạo mở cuộc tấn công vào khu vựcchợ Quảng Trị. Trận chiến đã diễn ra quanh khu vực chợ, dọc theo đường Trần Hưng Đạo ra đến bờ sông. Hai bên đã quần thảo nhau quanh các đống bê tông đổ nát mà QĐNDVN đã biến thành các điểm kháng cự.

Cuối cùng tiểu đoàn TQLC này đã chiếm được mục tiêu, sau đó khai triển đội hình tiến chiếm khu hành chánh gồm Ty Bưu Điện, Ty Thanh Niên, Ty Ngân khố và tiến sát đến dinh tỉnh trưởng – nơi 1 đại đội của QĐNDVN đang bố trí quân quanh khuôn viên để cố thủ.

Một mũi nhọn khác của tiểu đoàn 2 QLVNCH với đại đội 4 làm nỗ lực chính thanh toán các chốt địch dọc hai bên đường Phan Đình Phùng, sau đó tiến đánh và triệt hạ các chốt bố trí tại cơ quan USOM và Tòa án tỉnh Quảng Trị. Thanh toán được các mục tiêu trọng yếu, đại đội 4 và đại đội 5 của tiểu đoàn 2 QLVNCH đã tấn công vào khu vực tòa Hành chánh tỉnh và Ty Tiểu học vụ Quảng Trị nơi 1 trung đoàn QĐNDVN đặt bộ chỉ huy. Do các chốt bảo vệ xung quanh đã bị TQLC triệt hạ, nên bộ chỉ huy QĐNDVN tại đây đã phải dời ra hướng sông.

4 giờ sáng ngày 15 tháng 9, Lữ đoàn thủy quân lục chiến 258 và 147 tập trung lực lượng tổng công kích từ ba hướng, được chi viện tối đa hỏa lực của không quân, pháo binh, xe tăng, súng phun lửa các loại. Ở hướng Đông của thành cổ, 4 đại đội của tiểu đoàn 3 và tiểu đoàn 6 TQLC đã dàn hàng ngang đồng loạt xung phong tiến về hướng Tây, tập kích sở chỉ huy tiểu đoàn 1 trung đoàn 48 QĐNDVN và chiếm một góc khu đông bắc Thành cổ.

Các chốt của QĐNDVN còn lại tiếp tục chiến đấu trong ngày, mặc dù sức chiến đấu đã giảm, quân số bị thương vong nhiều. Lực lượng K8, tiểu đoàn 3 trung đoàn 48 mới vào cũng đã bị tổn thất nặng. Lực lượng trung đoàn bộ binh 18 vẫn chưa đến được nơi quy định để vượt sông vào Thành cổ.

Trong đêm 15 tháng 9 năm 1972, QĐNDVN đã pháo kích dữ dội vào đội hình của hai tiểu đoàn 3 và 6 TQLC để yểm trợ cho lực lượng đang cố thủ ở đây. Gần rạng sáng, các đơn vị TQLC đồng loạt xung phong, những tổ kháng cự của QĐNDVN đã chống trả mạnh nhưng chỉ được nửa giờ sau đó đã bị đánh bật khỏi phòng tuyến.

Cũng trong đêm 15 tháng 9 các chỉ huy của QĐNDVN trong thành nắm lại tình hình, thấy QLVNCH đã chiếm một số góc thành cổ, quân số chiến đấu của họ còn lại chẳng bao nhiêu nên thống nhất ra lệnh rút khỏi thị xã và thành cổ từ 22 giờ ngày 15 tháng 9.

Thứ tự rút: ưu tiên thương binh đi trước, tiếp đến các lực lượng tiểu đoàn ở xe, rồi đến các đơn vị trực thuộc, cuối cùng là sở chỉ huy Thành. Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48,K8, vệ binh – trinh sát bảo vệ đội hình rút. Ban chỉ huy Trung đoàn hỗn hợp cùng đội vệ binh rút cuối cùng vào nửa đêm 15 rạng ngày 16. Trung đoàn 18 Sư đoàn 325 được lệnh dừng lại, không vượt sông sang phản kích nữa, mà nhanh chóng triển khai lực lượng phòng thủ tả ngạn sông Thạch Hãn, khu vực Nhan Biều – Ái Tử.

Sau 4 tháng 16 ngày (81 ngày đêm) chiếm giữ Cổ Thành và thị xã Quảng Trị, QĐNDVN rút lui khỏi Thành cổ. Riêng trung đoàn Triệu Hải (trung đoàn 27 QĐNDVN-trung đoàn trưởng sau này là thượng tướng nguyễn Huy Hiệu) với 1.500 quân cố thủ trong Cổ Thành đã bị thương vong gần hết, chỉ còn cỡ 1 tiểu đội còn lành lặn khi rút ra ngoài.

Chi tiết về trung đoàn này cũng đã được phóng viên báo Tuổi Trẻ ghi lại theo lời kể của 1 cựu chiến binh (một trong gần 10 người còn lành lặn của trung đoàn này) qua bài ký đăng trong số báo ra ngày 26 tháng 7/1998, có đoạn như sau:

“Tết năm 1968, ngay sau khi trung đoàn được thành lập ở miền Bắc, một tháng sau trung đoàn này có mặt tại Quảng Trị. Từ đấy cho đến năm 1972, Quảng Trị đã trở thành chiến trường của trung đoàn 27, và ở đây, họ mang một cái tên mới: trung đoàn Triệu Hải (tên của hai huyện đồng bằng Quảng Trị ghép lại)… Phải đến bây giờ, chúng ta mới được nghe cả một trung đoàn vào giữ Thành Cổ, lúc rút ra còn chưa đến một tiểu đội.”

Ngoài trung đoàn Triệu Hải bị xóa sổ, trung đoàn 48B thuộc sư đoàn 320B QĐNDVN – đơn vị chiếm giữ trung tâm thị xã, cũng đã bị thiệt hại hơn 80% quân số. (QĐNDVN có 2 sư đoàn cùng mang số 320, đó là sư đoàn 320 thuộc B-3 đã tham dự cuộc tổng tấn công vào Kontum trong tháng 5/1972, và sư đoàn 320 B thống thuộc quyền chỉ huy của bộ tư lệnh quân khu tại Trị Thiên). Trong một hồi ký phổ biến vào năm 1997, trung tướng Lê Tự Đồng, nguyên tư lệnh lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam tại mặt trận tỉnh Quảng Trị, ghi nhận là các sư đoàn và trung đoàn tham chiến đã bị tổn thất hơn quá nửa quân số.

Về phía QLVNCH, tuy chiếm được thành cổ nhưng cũng phải trả giá đắt. Kế hoạch chiếm thị xã trước ngày 13/7 để mặc cả tại Hội nghị Paris không thực hiện được mà còn phải mất gấp 5 lần thời gian định trước. Để chiếm lại thành cổ, chỉ riêng sư đoàn Thủy quân Lục chiến có 3.658 binh sĩ tử trận, chiếm 25% tổng quân số (tổng thương vong là hơn 5.000 chiếm 38% quân số), các đơn vị Dù cũng chịu thiệt hại nặng tương đương. Tổng quân số tử trận của các đơn vị lên tới 7.756 người, hàng ngàn lính khác bị thương.

Thiệt hại lớn của các đơn vị tinh nhuệ này khiến QLVNCH cũng không đủ sức tấn công tiếp lên phía bắc, các chiến dịch Lam Sơn 72A và các cuộc hành quân “Sóng thần” để tái chiếm bờ bắc Thạch Hãn nhanh chóng bị QĐNDVN đánh bại. Hai bên quay về giữ thế giằng co cho đến khi hiệp định Paris được ký kết vào tháng 1 năm 1973.

Sau 12 tuần lễ liên tục tổng công kích với sự hỗ trợ hỏa lực tối đa của Hoa Kỳ, đến giữa đêm ngày 15 rạng ngày 16 tháng 9 năm 1972, lực lượng Thủy quân Lục chiến đã tiến vào thị xã Quảng Trị và kiểm soát toàn bộ khu vực Cổ Thành. Rạng sáng ngày 16 tháng 9 năm 1972, hai tiểu đoàn 3 và 6 Thủy quân Lục chiến từ các vị trí vừa chiếm được trong Cổ Thành, đã bung ra lục soát và đuổi các chốt còn lại của QĐNDVN.

Đến 8 giờ sáng ngày 16 tháng 9 năm 1972, một toán Cọp Biển của tiểu đoàn 6 Thủy quân Lục chiến đã dựng quốc kỳ Việt Nam Cộng hòa trên cổng tường phía Tây Cổ Thành Quảng Trị, biểu tượng cho thành công của Quân lực VNCH trong cuộc tổng phản công tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị.

Hình ảnh Thành cổ sau trận chiến vì hứng chịu bom đạn của kẻ thù.

Theo cuốn Một thời hoa lửa của NXB Trẻ thì từ mồng 10 tháng 9, Quân đội Nhân dân Việt Nam bị thương vong nhiều. Như hai tiểu đoàn mới vào thành (Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48, Tiểu đoàn địa phương 8) cũng đã tổn thất nặng. Riêng Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 95 từ khi vào thành đến khi rút ra (từ ngày 13 tháng 7 đến ngày 10 tháng 9 năm 1972) đã chết trên 100 người, bị thương trên 700 (tính cả số bổ sung từng ngày), đảng viên có 67 người, lúc ra còn 12 người v.v…

Thật là quá nặng nề đối với lực lượng phòng thủ thành cổ. Do đó hành động của tư lệnh chiến dịch vào buổi giao ban sáng 16 tháng 9 và tiếp sau đó lệnh phòng ngự tả ngạn sông Thạch Hãn vào chiều 16 tháng 9 là thích hợp với tình hình thực tế.

Ở Thành cổ Quảng Trị, mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật

Vào ngày thứ 77 trong chiến dịch 81 ngày đêm, chiến sỹ Lê Văn Huỳnh, người con của xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, Thái Bình, trước khi xuất kích đưa hàng qua sông Thạch Hãn đã viết vội một bức thư, chứa bao dự cảm về tương lai và nơi liệt sỹ yên nghỉ trước trận đánh cuối cùng của mình. Bức thư mang một sự bình tĩnh đến lạ lùng của người lính. Ngày ấy, anh Huỳnh là sinh viên năm thứ 4 Đại học Bách khoa, chị Đặng Thị Xơ là cô dân quân 22 tuổi xinh đẹp.

Đầu năm 1972, nhân dịp nghỉ Tết, anh chị làm đám cưới. Cưới được 3 ngày thì anh Huỳnh lên trường học tiếp. Sang năm 1972, chiến tranh ngày càng khốc liệt, Nhà nước phát lệnh tổng động viên. Giống như hàng ngàn học sinh, sinh viên Việt Nam thời ấy, anh Huỳnh hăng hái lên đường vào Nam. Trước ngày nhập ngũ, anh được về thăm nhà nên ở bên chị thêm ba ngày nữa. Bức thư có đoạn nói rằng:

“Toàn thể gia đình kính thương…con viết mấy dòng cuối cùng trước khi đi “nghiên cứu bí mật lòng đất”. Xin mẹ đừng buồn để sống đến ngày chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng ở bên mẹ, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau…”

“Em yêu thương!…Anh rất muốn được sống mãi bên em, song vì chiến tranh thì em ơi hãy gạt nước mắt cho đời trẻ lại. Giờ đây anh biết nói gì với em chỉ mong em khỏe yêu đời…Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống trong hòa bình hãy nhớ tới công anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về.

Đường đi như sau: Đi tàu vào Thị xã Quảng Trị qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hi sinh khi đưa hàng qua sông. Từ Thị xã qua cầu ngược trở lại hỏi thăm về “Nhan Biều 1”. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Về đấy sẽ tìm thấy ghi dòng chữ đục trên mảng tôn. Thôi nhé, đấy là có điều kiện, còn không thì em cứ làm tốt những điều anh dặn ở trên là tốt lắm rồi…”

Bức thư dự cảm về sự hy sinh của Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh.

Lá thư anh viết đã ở lại cùng hành trang người lính trong trận đánh đêm ấy. Bức thư anh viết vội và chưa kịp gửi, có lẽ quân địch lại đến giội bom và nã pháo. Đồng đội đã trao lại kỷ vật cho chị Đặng Thị Xơ – vợ anh. Nhòe trong nước mắt ôm kỷ vật của chồng, chị Xơ – 6 ngày làm vợ và đằng đẵng 30 năm tìm nơi chồng yên nghỉ.

Những người lính như chồng chị, trước khi vượt sông, họ chuẩn bị sẵn sàng cho buổi lễ truy điệu chính mình: gửi thư, đục tên trên bảng tôn để đồng đội chôn cất…sẵn sàng và ung dung đi vào cõi chết vì nhiệm vụ với Đảng, với Cách Mạng, với nhân dân. Lá thư được chị Đặng Thị Xơ coi như kỷ vật thiêng liêng. Mãi đến khi tìm được mộ anh, người ta mới biết được câu chuyện về lá thư này. Chỉ khác một điều duy nhất trong tiên đoán của anh, ngôi mộ anh được tìm thấy ở thôn Thượng Phước, ngay sát cạnh thôn Nhan Biều 1.

30 năm đằng đẵng, chị Xơ tìm chồng khắp các vùng đất quanh trận địa, cuộc sống đổi thay, địa danh đổi khác manh mối chỉ là những lời anh dự đoán nơi mình sẽ được đồng đội chôn cất. Năm 2002, được sự giúp đỡ của đồng đội anh, chị tìm về lần nữa và xác định khu mộ có thể lạc giữa bãi sắn mênh mông trên nền đất cũ của bà Nguyễn Thị Ngân thôn Thượng Phước hiện được con trai bà canh tá.

Tưởng rằng vô vọng nhưng như một cơ duyên ước hẹn, chị tìm được anh vẹn nguyên cùng hành trang người lính tuổi trẻ với dòng tên đục trên mảnh tôn như anh dặn dò. Chị tìm được anh trong nước mắt mãn nguyện của duyên vợ chồng và lá thư thiêng liêng của anh là kỷ vật sống động cho một thời tuổi trẻ hào hùng, những người lính như anh đã sống trọn vẹn cuộc đời cho Tổ quốc.

Di ảnh liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. Bức ảnh được chụp năm anh 17 tuổi, sinh viên trường ĐH Xây Dựng. Ảnh: Kenh14

Có biết bao người phụ nữ đã chờ đợi tin của những người thương yêu ngã xuống ở Quảng Trị như chị Xơ. Khoảng cuối năm 2000, khi nghiệm thu công trình đường ống nước Thành Cổ, có một đoạn cao hơn thiết kế 30cm, cần sửa đổi. Khi đào sâu xuống họ bắt gặp bốn bộ hài cốt liệt sỹ với những kỷ vật còn vẹn nguyên.

Trong đó có di vật của liệt sỹ Lê Binh Chủng, Chính trị viên phó, tiểu đoàn K3 Tam Đảo. Tìm theo nội dung trong bức thư của đồng chí đã dẫn đến một cuộc đoàn viên muộn màng trong nước mắt mãn nguyện, minh oan cho thân phận một người vợ, người con liệt sỹ. Trung úy Lê Binh Chủng sinh năm 1944 ở xã Quỳnh Mỹ, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Trên đường hành quân vào Nam, đơn vị anh dừng lại Đồng Cao, Bố Trạch, Quảng Bình.

Ở đây anh gặp và yêu nữ dân quân Phạm Thị Biển Khơi. Hai bên đã báo cáo tổ chức nhưng chưa kịp làm lễ cưới thì anh Chủng nhận nhiệm vụ vào chốt giữ Thành cổ Quảng Trị. Chưa kịp làm lễ cưới, chưa kịp báo tin cho gia đình thì anh nhận lệnh vượt Vỹ tuyến 17 vào Quảng Trị. Lá thư cuối cùng chị Biển Khơi viết cho anh đề ngày 15/5/1972, báo tin họ có con. Chị viết:

“Cầm bút biên thư cho anh trong lúc chiến trường Trị Thiên đang thắng to. Tin vui bay về hậu phương làm cho mọi người dân lòng đầy sung sướng. Tự hào thay trong những người chiến thắng đó có anh, người mà em gửi gắm bao niềm thương nỗi nhớ… Em bận lắm, vừa thu hoạch mùa vừa huấn luyện để sẵn sàng đối phó với địch. Cho em và con gửi lời thăm sức khỏe tới các anh trong đơn vị. Em và con gửi anh cái hôn trìu mến! Biển Khơi”.

Anh dự định kết thúc chiến dịch sẽ về thăm con và thưa chuyện gia đình nhưng anh đã ở lại Thành Cổ mãi mãi. Những cựu chiến binh đã chiến đấu giữ chốt Thành cổ kể rằng, vào cuối tháng 7/1972, trong một cuộc chiến đấu khốc liệt giữa ta và địch, một quả bom dù của địch đã đánh trúng hầm chỉ huy của Tiểu đoàn 3, còn 7 chiến sỹ bị mắc kẹt trong đó. Khi hầm sập, 7 chiến sỹ vẫn liên lạc ra ngoài bằng máy vô tuyến. Tiểu đoàn 3 đã huy động lực lượng cấp cứu nhưng vì lớp bê tông bịt nắp hầm quá dày và kiên cố nên không có cách nào cứu hộ được, ứa nước mắt chấp nhận hy sinh.

Trong bức điện cuối cùng, anh Chủng và đồng đội còn thông báo:

“Địch đang tiến vào trận địa… Chúng tôi nghe rất rõ bước chân của chúng… Chúng đang đi trên nóc hầm của chúng tôi… Yêu cầu các đồng chí dùng pháo bắn cấp tập và hãy bắn thẳng lên hầm của chúng tôi… Xin gửi lời chào chiến thắng và vĩnh biệt…!”.

Chị Biển Khơi cùng con bắt đầu những tháng ngày vất vả của việc “không chồng mà có con” trong thời lửa đạn. 30 năm sau, lá thư từ lòng đất đã minh oan tất cả sự thật. Một cuộc đoàn viên muộn màng khi ông bà nội ôm đứa cháu trai 30 tuổi mà cứ ngỡ như ôm con trai mình thuở nào…

Những dòng thư, những trang nhật ký tưởng chừng như lặng câm nhưng lại viết lên cả một thời hoa lửa dữ dội. Vậy là cho đến phút cuối cùng trước khi ra đi, cái mà người lính chiu chắt lại cho cuộc đời không chỉ là niềm tin, là lý tưởng mà còn là những hạnh phúc, thanh thản cho những người thương yêu đang sống ở trên đời.

Do hàng ngàn chiến sỹ ta cho đến hôm nay vẫn còn nằm dưới mảnh đất này, vì thế mà các công trình dưới thời nhà Nguyễn sẽ không còn được phục dựng lại nữa. Thành Cổ được xây dựng thành một công viên văn hoá, tưởng niệm và tri ân tôn vinh những người đã vĩnh viễn nằm nơi lại đây.

Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ trong Thành Cổ Quảng Trị. Ảnh: Hồ Cầu – TTXVN

“Vua chiến trường” Đoàn Công Tính và những bức ảnh lịch sử quý giá về Thành cổ Quảng Trị

Cựu phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính có biệt danh là “Vua chiến trường” sinh năm 1943 tại Hải Phòng và lớn lên tại quê mẹ ở huyện Vụ Bản (Nam Định). Ông cộng tác với báo Quân đội Nhân dân và chính thức vào làm việc năm 1969 và sau đó được phân công đi chiến trường ngay. Lúc bấy giờ đang vào thời điểm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông đi dọc một mạch từ Bắc vào Nam, băng mình trong lửa đạn để ghi lại những hình ảnh hào hùng của một thời khó quên.

“Nụ cười chiến thắng dưới chân Thành cổ Quảng Trị” một trong những bức ảnh nổi tiếng của PV chiến trường Đoàn Công Tính.
PV Đoàn Công Tính sau khi bấm máy bức ảnh nổi tiếng ” Nụ cười Thành Cổ”.

Đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu (1972) – bức ảnh của Đoàn Công Tính từng đoạt Huy chương Vàng Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ)
Ngay lúc chụp, tôi đã biết đây sẽ là một bức ảnh mà bấy lâu nay mình mơ ước”, ông cho biết. Tư thế của người lính rất đẹp, hành động phất cờ thể hiện khí thế chiến thắng của quân ta, hình ảnh thương vong của đối phương là yếu tố hết sức quan trọng để để nói lên sự thất bại thảm hại của Mỹ ngụy đồng thời tố cáo chiến tranh buộc con người ta phải bắn giết nhau.

– PV Đoàn Công Tính nói về bức ảnh “Đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu”
“Nắng dưới lòng đất” – Một trong những tác phẩm của PV Đoàn Công Tính

Với ước tính thương vong quân ta lên tới 10.000 đến 15.000 người trong đó có rất nhiều tân binh, Quảng Trị “mùa hè đỏ lửa” năm 1972 là một túi bom, mỗi mét vuông đất mà chiến sỹ ta giành được ở Thành Cổ Quảng Trị thực sự là một mét vuông máu. Hàng ngàn chiến sỹ đã hi sinh tại đây vẫn chưa lấy được hài cốt vì khói lửa bom đạn quá nhiều. Xương máu, linh hồn và tên các anh đã hóa thân thành hình hài đất nước ngày nay. Chiến tranh không bao giờ thay đổi.

Theo Khám phá lịch sử 


Khám phá Quảng Trị và miền trung với dịch vụ du lịch, cho thuê xe:

Hotline: 0233.3.70 80 90 - Website: https://fiveseasonsholidays.com