Tập tục đi sim- nét đẹp văn hóa của người Vân Kiều

Người Vân Kiều ở vùng núi Miền Tây Quảng Trị từ bao đời nay vẫn giữ nguyên những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình đó là tục “đi sim”. Đi sim là cách đi tìm người yêu của con trai con gái người Vân Kiều khi đến tuổi dựng vợ gã chồng. Con trai con gái Vân Kiều luôn tự tin vào tình yêu mà mình tìm được sau những lần họ hẹn của những đêm Sim. Tục lệ đi Sim vì thế mà có một chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn trẻ Vân Kiều. Đó là nét đẹp văn hoá, là nét thuần phong mỹ tục đáng được giữ gìn.

Tình yêu là sự bắt đầu từ những điều gì giản dị và thực lòng nhất. Yêu là sự thương và nhớ là đi tìm người mình yêu. Thanh niên nam nữ người dân tộc Vân Kiều cũng vậy mùa xuân vào những đêm trăng là khoảng thời gian lãng mạn để họ đi tìm “ một nữa” của mình. Nhưng cái khác biệt tạo nên một nét đẹp văn hóa, một phong tục truyền thống rất riêng không kém phần lãng mạn của tình yêu nam nữ đó là tục “đi sim”

Khi đến tuổi dựng vợ gã chồng, như bao người khác thanh niên nam nữ người dân tộc Vân Kiều cũng đi tìm người yêu của mình. Họ được phép đến ngủ ở những ngôi nhà Xu . Những buổi đi sim ấy, họ trao nhau những câu hát giao duyên đầy tình cảm,cả ánh mắt thiết tha nồng thắm. Và phút giây lưu luyến ấy họ dường như tìm ra được “một nữa” của mình. Nếu đã phải lòng nhau, họ có thể ngủ lại ở ngôi nhà rẫy trong rừng và chàng trai sẽ trao cho bạn gái một chiếc vòng bạc để ngõ lời yêu. Trong cái điệp trùng của núi non, trăng thanh gió mát, những đêm sim lãng mạn là nền tảng đầu tiên của hạnh phúc lứa đôi để rồi đến khi đầu bạc răng long họ cũng không thể nào quên cái buổi đầu tiên lưu luyến ấy. Đi sim của người Vân Kiều trở thành một tập tục lâu đời, một nét đẹp văn hóa và một giá trị nhân văn sâu sắc đó là khát vọng yêu đương, tự do lựa chọn hạnh phúc của đời mình.

Tục đi Sim thường diễn ra vào các mùa trăng, nhất là những đêm trăng sáng. Vì thế mùa trăng được xem là thời điểm lý tưởng nhất cho những buổi đi Sim, là thời điểm mà những chàng trai, cô gái Vân Kiều luôn trông ngóng, đợi chờ. Hết mùa trăng này đến mùa trăng khác, nam nữ thanh niên Vân Kiều ở Quảng Trị vẫn giữ lấy tục đi Sim.. Họ cảm thấy điều đó như một lẽ tự nhiên không thể thiếu trong đời sống văn hoá tinh thần của mình. Các đôi trai gái Vân Kiều thường hẹn hò với nhau bên những bờ sông con suối, hay ở những ngôi nhà Xu giữa cảnh núi rừng thiên nhiên thơ mộng để rồi nên vợ nên chồng. Núi rừng, sông suối chính là những người bạn đồng hành thân thiết với những đêm tình yêu của con trai, con gái Vân Kiều. Luật tục cho phép khi họ đã phải lòng nhau nếu không ngủ ở nhà Xu thì các đôi trai gái có thể cùng nhau ra ngủ ngoài rừng. Người con gái mang theo một cái chăn, một cái gối, bẻ lá khô lót làm chiếu. Nếu chàng trai đã phải lòng một ai đó thì khi màn đêm buông xuống họ tìm đến nơi người đó nằm rẽ vách bật tín hiệu, đồng ý cô gái sẽ mở cửa cho vào rồi họ lại dắt nhau ra rừng, ra chòi canh để tìm hiểu nhau nhưng không được quan hệ tình dục trước hôn nhân nếu không sẽ bị xử phạt rất nặng. Vì thế núi rừng, sông suối bản làng người Vân Kiều từ bao đời nay đã làm chứng cho biết bao mối nhân duyên như thế. Tình yêu ấy vì thế trở nên vững bền, xanh mãi như núi rừng Trường Sơn hùng vỹ, chảy mãi như dòng sông đkrong trong xanh. Từ thế hệ này sang thế hệ khác núi rừng, sông suối vẫn là người bạn đồng hành thuỷ chung với người Vân Kiều trong cuộc sống nói chung và trên con đường đi tìm tình yêu, hạnh phúc nói riêng.

Gia vị tình yêu trong những lần hò hẹn ấy chính những khúc hát giao duyên. Đó cũng được xem là sợi tơ hồng se duyên cho chàng trai cô gái gặp nhau. Họ ngồi bên nhau, say sưa hát để bày tỏ nỗi lòng, bày tỏ tình yêu, những lời ước hẹn thủy chung và cả những ước mơ về hạnh phúc. Vì thế ngay từ lần đầu tiên gặp nhau nam thanh niên Vân Kiều đã dùng làn điêu hát Chấp để bày tỏ nỗi lòng của mình, gợi mở về thân phận, hoàn cảnh và cảm nhận của mình về đối tượng. Bước qua giai đoạn đầu bỡ ngỡ họ dần trở nên thân thuộc xích lại gần nhau nhờ làn điệu Oát. Những câu hát Oát này trở thành người mai mối dẫn dắt họ mạnh dạn tìm đến bên nhau. Tình yêu của họ vì thế mà lớn dần nhờ lời ca điệu hát. Và bản tình ca cuối cùng cho một tình yêu tuyệt đẹp được thế hiện trong làn điệu Xà nớt. Thể hiện ước mong được kết đôi, khát khao yêu đương cháy bỏng, họ thấy không thể sống thiếu nhau và mong muốn được bên nhau trọn đời.

Đối với thanh niên nam nữ Vân Kiều trước khi tính đến chuyện hôn nhân phải trải qua giai đoạn tìm hiểu quan trọng này. Điều này đánh dấu bước trưởng thành thực sự của con người là khi họ tự ý thức lựa chọn tình yêu, người yêu tâm đầu ý hợp để quyết định một cuộc hôn nhân vững bền. Vì thế những gia đình nhỏ của Người Vân Kiều ngày nay phần lớn đã được xây dựng trên sự cảm thông và tình yêu của đôi nam nữ.

Đi Sim – một nét sinh hoạt đặc sắc đã trở thành biểu tượng văn hoá của người Vân Kiều. Đó là những đêm Sim lãng mạn, trữ tình, chân thành và nồng ấm hứa hẹn một tình yêu đẹp, cội nguồn của hạnh phúc. Ngoài ra đi Sim là một hoạt động văn hóa mang tính truyền thống nhắc nhở người Vân Kiều hướng về nguồn cội, gắn kết cộng đồng,tăng thêm tình thân ái, tình đoàn kết. Hôn nhân giữa con trai, con gái các bản với nhau là nhịp cầu để tất cả bà con trong cộng đồng xích lại gần nhau hơn. Vì vậy từ bao đời nay tục lệ đi Sim đã trở thành một nét đẹp văn hoá không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Vân Kiều. Dù cuộc sống có đổi thay nhưng nét văn hoá này vẫn mãi tồn tại giá trị truyền thống của nó đáng để chúng ta trân trọng, gìn giữ và tự hào.

Theo Quảng Trị Tin Tức


Khám phá Quảng Trị và miền trung với dịch vụ du lịch, cho thuê xe:

Hotline: 0233.3.70 80 90 - Website: https://fiveseasonsholidays.com