Bún nghệ đơn giản chỉ là bún xào với nghệ giã ra, xào chung với lòng, tiết, gan, nội trường, dồi heo…, rắc thêm hành lá và lá hẹ cùng với củ nén, tất cả trộn chung vào một cái nồi hoặc cái thau nhôm đặt trên một cái bếp than nhỏ để giữ nóng.
Chiều chiều xuống chợ Đông Hà
Mần đĩa bún nghệ, rứa là sướng hung…
Cứ tầm chiều xuồng, khi bóng mặt trời đổ lấp lánh trên con sông Hiếu hiền hòa, lũ chúng tôi sau giờ học lại thỏ thẻ với nhau xuống chợ ăn hàng mặc cho bao lần mẹ bảo không được ăn vặt trước giờ cơm.
Chợ Đông Hà (Quảng Trị) xuất hiện đầu tiên trong suy nghĩ của chúng tôi với đủ các loại món ăn, hàng quán, từ bánh bèo, bánh ram ít, bánh nậm, đến bánh canh, thấu, bún hến…
Nhưng mà đã xuống chợ, thì chắc chắn chả thể nào bỏ qua thau bún nghệ vàng ươm đầy mời gọi được.
Ở những nơi khác, tôi thường thấy người ta gọi là bún lòng xào nghệ, nhưng ở chỗ tôi cái gì cũng được gọi sao cho gọn nhất, như bánh canh cá lóc thì được gọi là cháo cá, bánh bột lọc thì được gọi là bánh lọc… Và bún lòng xào nghệ thì chỉ cần gọi là bún nghệ cho nhanh.
Ở chợ có hai cô bán bún nghệ, mà cô nào bán cũng ngon, bàn tay cô nào cũng vàng một màu vàng nghệ không thể nhầm lẫn.
Mỗi cô có một hương vị riêng mà tôi nghĩ có lẽ chỉ có người chế biến mới biết họ có thể cho thêm thứ gì vào để món ăn của mình trở nên đặc biệt.
hưng chỉ một điều mà cho dù có bao nhiêu người bán khác nhau thì vẫn chung một điểm, đó là nghệ dăm đầy nồi bún.
Nghệ không là nghệ, mùi hăng của nghệ xộc thẳng vào mũi mỗi khi tôi hiếu kì ngửi ngửi, nghệ đậm đầy đến nỗi mỗi khi bị ho hay ngứa họng, mẹ lại lật đật xuống chợ đùm về một bao bún nghệ “thần thánh” thay cho những viên thuốc tây đắng ngắt.
Mở một hàng bún nghệ thì đơn giản lắm. Như ở chợ Đông Hà, tôi thấy chỉ có đôi quang gánh, một bên bỏ nồi bún, một bên bỏ nước mắm, rau ngò, một lọ tiêu, tăm và giấy ăn. Xung quanh là mấy cái đòn (ghế nhỏ) đề ai ăn thì ngồi đó.
Gọi một đĩa bún, cô bán hàng sẽ nhanh nhẹn mà xới bún lên, đảo qua lần nữa cho nóng rồi dùng cái muôi múc vào một chiếc đĩa, tùy người ăn muốn ăn lòng, tiết hay dồi, phèo mà cô sẽ bỏ thêm cái đó.
Rồi thì xúc thêm ít nghệ vàng tươi, rưới một ít nước mắm ớt cay nồng đo đỏ, rải thêm ít ngò xanh xanh cho thơm rồi rắc thêm chút tiêu đen đen, vậy là có ngay một đĩa bún nghệ vừa làm nức lòng vừa làm đã mắt kẻ đang cồn cào với cái bụng réo rắt.
Nhưng đâu chỉ có thế, bún nghệ ở chợ Đông Hà còn một phần rất ngon mà phải tranh ghê lắm mới được, là “cháy nồi”.
Phần “cháy nồi” là phần bún dưới đáy nồi, mà hơi cháy. Ăn vào giòn giòn như đang cắn bim bim, vừa lạ vừa vui miệng.
Có lần tôi thấy có một cô kia đến mua bún mà hết mất phần “cháy nồi”, vì có lẽ là khách quen nên cô giả vờ buông vài ba câu trách móc sao không để phần cho cô với.
Tôi chợt nghĩ, đến cả cái phần mà người ta nghĩ là thừa là bỏ, cũng đến hồi người ta phải xí phần nhau như thế đấy.
Gánh bún nghệ chợ chiều, đôi khi còn là nơi tụ năm tụ ba, ngồi chổm hổm, ngồi bệt xuống mà “tám” đủ chuyện trên trời dưới đất. Cứ như bao bực dọc, bao ấm ách hay kể cả những gì vui vui của một ngày dài, người ta đợi đến hồi gặp nhau ở gánh bún mà kể lể cho nhau nghe.
Những câu chuyện thường nhật đan xen với tiếng cạo cạo đáy nồi mà cô bán hàng cứ liên tục đảo bún, lâu lâu lại thêm vài ba câu cho thêm phần sinh động.
Trong không khí huyên náo của buổi chợ chiều, những gánh hàng ăn như một thế giới nhỏ, mà ở đó người ta mặc kệ lạ hay thân, cứ thê bắt đầu làm quen bằng một đĩa bún nghệ cái đã.
Theo Tuổi Trẻ
Khám phá Quảng Trị và miền trung với dịch vụ du lịch, cho thuê xe:
Hotline: 0233.3.70 80 90 - Website: https://fiveseasons.com.vn