“Xứ Cùa” ngày nay không còn là vùng đất xa ngái, tách biệt với bên ngoài mà đang hội nhập trong dòng chảy hối hả của đời sống xã hội. Được thiên nhiên ban tặng cho đất đỏ, khí hậu đặc trưng và cùng với những đôi bàn tay cần mẫn, “Xứ Cùa” đã trở thành vùng đất của nhiều sản vật nức tiếng gần xa.
Cuối năm, rong ruổi xứ Cùa
“Xứ Cùa” không phải là tên làng, cũng không phải là tên của 1 xã. Cùa là một vùng đất chung của hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị). Cùa nằm biệt lập trong một thung lũng trên đỉnh Trường Sơn, có thổ nhưỡng và khí hậu đặc trưng riêng so với dải đất miền Trung đầy nắng và gió. Từng là chiến khu nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến cứu quốc, “Xứ Cùa” đã trở mình vươn lên mạnh mẽ.
Để vào được “xứ Cùa”, nhất định phải đi qua con đường nhựa quanh co uốn lượn dài 8-9 km, vượt đỉnh đèo Cùa. Từ chân đèo, ngược lên địa phận xã Cam (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) là một thử thách không nhỏ. Trong cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ huyện cam Lộ” có viết: “Cùa đã in dấu chân của Vua Hàm Nghi, từ Kinh thành Huế đi ra Quảng Trị, Vua Hàm Nghi đã vượt đèo Cùa để vào “Xứ Cùa” lập căn cứ, phát triển phong trào Cần Vương. Cùa trở thành “kinh đô kháng chiến” thành Tân Sở để phòng bị cho kinh thành Huế khi thất thủ; nơi ghi dấu ấn lịch sử vị vua yêu nước trẻ tuổi Hàm Nghi ban Dụ Cần Vương hiệu triệu văn thân, sĩ phu yêu nước toàn quốc đứng lên phò vua đánh đuổi giặc Pháp xâm lược”.
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, quân địch cho xây dựng nơi đây thành khu tập trung, dồn dân lập ấp chiến lược để kìm kẹp, cai quản. Nhưng với tinh thần cách mạng kiên cường, nhân dân vùng Cùa đã nổi dậy diệt ác, phá kìm, tổ chức cuộc đồng khởi Cùa tháng 7/1964 thắng lợi.
Đổ đèo Cùa, một bình nguyên đất đỏ đã hiện ra trước mắt. Những tên đất, tên làng nghe thân thương: Cam Lộ Phường, Mai Đàn, Mai Lộc, Thượng Nghĩa, Quật Xá, Đồng Lai… Những xóm làng trập trùng, quanh co lúc ẩn, lúc hiện dưới làn khói sương cuối đông vẫn dùng dằng ở lại với xứ Cùa. Núi đồi nhấp nhô xen lẫn với suối khe mải miết chảy đêm ngày là những chấm phá của bức tranh thủy mặc của một vùng quê đặc biệt “xứ Cùa”.
Dong xe trên những con đường uốn lượn như một dải lụa mềm trong thung lũng Cùa, tất cả là thảm nhựa hoặc bê tông hóa sạch đẹp, giao thương hàng hóa thuận lợi làm cho miền đất giàu tiềm năng này thêm sức sống mới, gọi mời thu hút đầu tư và lập nghiệp. Toàn vùng Cùa có gần 2.000 ha cây cao su, đã thu hút được nhà máy chế biến mủ cao su đầu tư tại địa bàn, công suất 5.000 tấn sản phẩm/năm, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đặc sản tiêu Cùa nổi tiếng với diện tích gần 300 ha, đã được doanh nghiệp đầu tư xây dựng thương hiệu tiêu Cùa đạt giải thưởng “Chất lượng quốc tế thế kỷ, hạng vàng”.
Gà Cùa “ngày ăn mối, tối ngủ cây” thịt săn chắc và thơm ngon nổi tiếng. Tương truyền, khi đoàn của vua Hàm Nghi ra đến Tân Sở, dân làng dâng lên vua và các quan trong đoàn tùy tùng món ăn của địa phương là gà Cùa hấp và gà hầm cháo hạt sen. Ai ăn cũng khen ngon.
Trong những ngày kháng chiến gian khổ ấy, vua Hàm Nghi luôn nhắc các vị đại thần sau này khi nước nhà bình yên hãy nhớ nuôi gà Cùa thành sản vật của tổ tiên. Mô hình nuôi gà Cùa đã được hình thành hợp tác xã, để hỗ trợ người nông dân, chính quyền địa phương đã đầu tư xây dựng thương hiệu theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP để quảng bá sản vật, giúp đồng bào phát triển kinh tế.
Nổi tiếng gần xa bởi chất lượng thơm ngon cũng như tuổi thọ, từ lâu những vườn chè cổ thụ trên 100 năm đã trở thành niềm tự hào của người dân xứ Cùa. Cây chè cổ thụ không chỉ có giá trị kinh tế mà còn mang cốt cách, bản lĩnh của một vùng quê từ thuở khai thiên lập địa. Giống chè cổ thụ có lá nhỏ, khi nấu sẽ có nhiều vị ở trong đó. Mới uống vào có vị đắng, chát nhưng khi nuốt xong thì lưu lại vị ngọt, thơm trong khoang miệng. Lá chè khi nấu đến nước thứ 2, thứ 3 vẫn thơm tròn vị. Chè Cùa trở thành món quà hạng sang nhưng lại không thể thiếu mỗi lần ai đó đến với “Xứ Cùa”.
Đặc biệt, cao chè vằng là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Quảng Trị, cũng được sản xuất theo chuỗi tại “xứ Cùa”. Trồng cây chè vằng (nguyên liệu sản xuất cao chè vằng) đang trở thành cây làm giàu cho đồng bào ở Cùa.
Vườn hồ tiêu của ông Trần Văn Khánh ở thôn Hoàn Cát, xã Cam Nghĩa (Cam Lộ) rộng hơn 2.000 m2, trồng 300 gốc tiêu. Từ khi sản phẩm tiêu Cùa có thương hiệu riêng trên thị trường, giá tiêu những năm gần đây luôn ổn định từ 200-230 nghìn đồng/kg tiêu khô, giúp cho gia đình ông thu về từ 100-150 triệu đồng mỗi năm. Cây hồ tiêu ở vùng Cùa đã được bạn bè trong nước và thế giới chấp nhận và đánh giá rất cao. Từ đây đã mở ra một cánh cửa mới, để sản phẩm tiêu Quảng Trị tiếp cận được với thị trường châu Âu và châu Mỹ, giúp nâng cấp giá trị của cây tiêu.
Thiên nhiên đã ưu đãi cho đất đai phì nhiêu, khí hậu đặc trưng, đồng bào các dân tộc lại cần mẫn kiên cường, “xứ Cùa” đang tiếp tục vươn mình trở nên giàu có.
Báo Dân Tộc
Khám phá Quảng Trị và miền trung với dịch vụ du lịch, cho thuê xe:
Hotline: 0233.3.70 80 90 - Website: https://fiveseasons.com.vn