Trong những năm tháng chiến tranh, mặc cho bom cày đạn xới, trên dòng Bến Hải vẫn ngân vang tiếng hát, điệu hò. Những người con của quê hương Vĩnh Giang – một miền quê xinh đẹp nằm dọc sông Bến Hải một thời là lưỡi dao chia cắt hai miền Nam – Bắc đã cất lên lời ca, tiếng hát đó, để hòa vào khí thế đấu tranh của cả dân tộc, để lan truyền thông điệp về tình yêu quê hương, đất nước thiết tha và niềm tin về ngày mai thống nhất nước nhà. Họ hát không chỉ “để cho dân tôi nghe”.
Vào những buổi chiều muộn, ông Lê Quang Ánh (sinh năm 1943), ở thôn Tân Mỹ, xã Vĩnh Giang thường xuống bến đò Tùng Luật, thảnh thơi ngắm cảnh yên bình của dòng sông phía trước. Khung cảnh này luôn gợi cho ông một phần ký ức đẹp đẽ của những ngày tháng góp sức đánh Mỹ bằng những tiếng hát, câu hò. Thẳm sâu trong ký ức của ông bỗng vang ngân câu hò: “Sông Hiền Lương vết thương chia rẽ/Ở miền Nam đây có vẻ hòa bình/Mong anh nhận rõ tình hình/Trở về với quê hương, con, vợ xây dựng gia đình ấm no”. Ông Ánh nhớ lại, vào những năm 1964, 1965, chính quyền bù nhìn Sài Gòn lập ra ngày “Quốc hận”, “lấp sông Bến Hải để Bắc tiến”. Bộ đội ta vừa ngày đêm canh giữ, chiến đấu bảo vệ ranh giới giữa hai miền đất nước, vừa phải chống lại những luận điệu tuyên truyền của Ngụy quyền Sài Gòn. Ngày 3 lần, ta dùng loa công suất lớn phát những bài ca cách mạng, những bài hát ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi cuộc chiến đấu chính nghĩa chống thực dân, đế quốc xâm lược và âm mưu chia cắt đất nước, làm lung lay ý chí chiến đấu của những người con lầm đường theo ngụy, cổ vũ Nhân dân bảo vệ thành quả cách mạng.
Người dân Vĩnh Giang quê ông vốn yêu ca hát, họ hát trong nhịp sống hằng ngày, trong những lời ru con, trong những dịp hội làng và hát trong suốt những năm tháng đạn bom quân thù không ngớt dội xuống miền đất giới tuyến này. Đội văn nghệ do ông (lúc đó là Trưởng Ban văn hóa xã Vĩnh Giang) phụ trách tuyển chọn những giọng ca hay trong xã, nổi bật như bà Lê Thị Bích Nồng, Cao Thị Khuê, Nguyễn Thị Ngoan…, đêm đêm chèo thuyền dọc sông Bến Hải hát cho bà con và binh lính phía bờ Nam nghe. Thuyền đi qua các đồn cảnh sát của địch, qua các làng quê Xuân Long, Xuân Hòa, Xuân Mỹ… thuộc các xã Trung Hải, Trung Giang của huyện Gio Linh. Dân trong làng đổ ra bờ sông lắng nghe. Sông nước mênh mông, không gian yên bình của những phút giây ngưng tiếng đạn bom đẩy những giọng hò lên cao vút, hòa vào tiếng sóng, hòa giữa mây trời rồi đi sâu vào lòng người. Những dịp lễ, tết, đội văn nghệ của xã phối hợp với các đoàn từ trung ương vào biểu diễn, dân hai bờ đổ ra xem càng đông hơn.
“Chúng tôi kết từ 3-4 thuyền, đi từ xã Vĩnh Quang, dọc theo sông Bến Hải lên đến xã Vĩnh Sơn của huyện Vĩnh Linh. Nhìn từ bờ ra, những chiếc thuyền giống như một sân khấu di động trên sông. Bà con hai bên bờ đổ ra bờ sông xem như càng cổ vũ cho chúng tôi biểu diễn hết mình”, bà Lê Thị Bích Nồng tiếp nối câu chuyện. Rồi giọng bà cất lên: “Đứng bên ni Vĩnh An/Nhìn sang Cát Sơn, Thủy Bạn/Ruột em thắt từng chặng/Như muối xát vào lòng/Nào ai vui vợ vui chồng/ Càng nhớ tới miền Nam đau khổ”. Ở tuổi gần 80, chất giọng bà Nồng vẫn sâu lắng. Bà nói, những năm tháng đó là thanh xuân, là nhiệt huyết, là những cống hiến của bà cho quê hương, đất nước, nên điệu hò mãi vẹn nguyên trong ký ức.
Bà Nồng là người thôn Cổ Trai Đông, sát bên làng Tùng Luật. Những năm 1954 – 1956, bà nằm trong đội văn nghệ xã Vĩnh Giang, thường theo đàn anh, đàn chị trong đội biểu diễn trên sông phục vụ đồng bào bờ Nam. Năm 1960, bà tham gia đội văn nghệ Công an vũ trang Vĩnh Linh biểu diễn phục vụ cho các chiến sĩ và đồng bào từ Vịnh Mốc lên đến Giàng Phao, Hói Cụ. Năm 1967, bà chuyển sang làm chiến sĩ của Đội tuyên truyền văn hóa Trung đoàn 270 bảo vệ giới tuyến (người dân thường gọi là Đoàn văn công Khu đội Vĩnh Linh). Với giọng hò trong trẻo, ngân rung, những buổi đi làm địch vận, giọng hò của bà đã góp phần cảm hóa tâm hồn của những người lính bên kia chiến tuyến.
“Làm công tác địch vận trong thời điểm đó không chỉ cần chất giọng mà còn phải có sự gan dạ, bản lĩnh vững vàng”, bà Nồng chia sẻ. Bà nhớ lại những lần tuyên truyền trên hệ thống loa, mỗi khi bà cất lên tiếng hát thì phía bên kia, binh lính im lặng lắng nghe nhưng đến phần đọc tin tức của ta thì địch bắn về phía hầm trú ẩn. Những lần đầu do chưa có kinh nghiệm nên sau khi kết thúc chương trình phát thanh, bà thường nói câu: Chào các bạn! Phía bên kia, binh lính địch biết chương trình đã kết thúc nên huy động lực lượng bắn xối xả, may mắn là bà không bị thương. Cũng có những lần, bà bị binh lính phía bên kia “vận động” ngược lại, đại ý như: Người đẹp vậy mà đi làm những việc vất vả đó làm gì, về với các anh sẽ có cuộc sống sung sướng, an nhàn. Tuy nhiên, tất cả những hiểm nguy, dụ dỗ đó đều không làm chùn bước chân bà.
Cùng đội văn nghệ làm công tác địch vận thời đó với ông Ánh, bà Nồng còn có bà Nguyễn Thị Ngoan hiện sống cùng địa phương. Hôm chúng tôi ghé thăm, bà vừa trải qua một cuộc tiểu phẩu nhưng thật bất ngờ, nhắc đến quãng thời gian theo các anh, chị đem lời ca tiếng hát của mình phục vụ bà con hai bờ Nam-Bắc, bà vui hẳn ra. Cũng dễ hiểu thôi, vì những điệu hò, câu hát được bà hát lên bằng cảm xúc của tuổi đôi mươi, nên hẳn đó là phần đẹp đẽ nhất trong quãng đời thanh xuân của bà. Năm 1966, phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” vào đến trận tiền thì ngoài cầm súng, bà Ngoan còn gia nhập đội văn nghệ xã Vĩnh Giang. Cùng với 15 thành viên trong đội, bà tham gia biểu diễn khắp vùng đất giới tuyến. Những ca khúc “Bài ca Vĩnh Linh”, “Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng”, “Tiếng đàn Ta lư”… là những ca khúc gắn với bà trong những năm tháng đó. Bộ đội từ miền Bắc, trước khi vượt sông Bến Hải vào chiến trường miền Nam, đều nghỉ lại một đêm ở Vĩnh Linh và được bà Ngoan cùng đội văn nghệ Vĩnh Giang hát tặng những bài ca về tình yêu Tổ quốc. Vào tháng 2/1970, bà Ngoan vinh dự được đi biểu diễn nhiều nơi trên đất nước Triều Tiên. Tại đây, bà đã cất cao tiếng hát tại nhà hát lớn, giữa quãng trường, bên bờ sông Áp Lục và hàng rào kẽm gai phủ đầy tuyết chắn ngang Vĩ tuyến 38, như đã từng hát trên con sông Bến Hải mang nỗi đau chia cắt của quê nhà.
Khi thấy ông Ánh tỏ ra lo lắng vì nhiều người trong đội văn nghệ xã làm công tác địch vận thời kỳ chống Mỹ đã không còn, số còn lại như ông, bà Ngoan, bà Nồng đều tuổi cao sức yếu, bà Ngoan lạc quan: Ông lo gì, còn có dòng sông quê hương lưu giữ giọng hát, câu hò của chúng ta.
Có lẽ bà Ngoan nói đúng. Dòng sông quê hương, dòng sông của một thời chia cắt, sẽ mãi lưu giữ những ký ức đau thương mà hào hùng của dân tộc. Dòng sông này cũng sẽ lưu giữ những giọng hò da diết, những câu hát sôi nổi, hào hùng, gợi khí thế đấu tranh của cả dân tộc, trong đó có những người con dọc các miền quê bên dòng Bến Hải. Để rồi, dẫu 40, 50 năm hay nhiều hơn thế nữa, từ dòng sông này vẫn mãi âm vang những tiếng hát, câu hò…
Theo Báo Quảng Trị
Khám phá Quảng Trị và miền trung với dịch vụ du lịch, cho thuê xe:
Hotline: 0233.3.70 80 90 - Website: https://fiveseasons.com.vn