Năm 2021, cây an xoa được trồng thử nghiệm với diện tích 3,5 ha tại địa bàn các xã Cam Chính, Cam Thành và Cam Hiếu của huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Sau gần một năm xuống giống, cây dược liệu này tỏ ra thích ứng, phát triển tốt trên cả 3 vùng đất, gồm: đất đỏ bazan, đất bãi bồi ven sông và đất đồi.
Ông Đỗ Anh Khánh (48 tuổi, ngụ thôn Minh Chính, xã Cam Chính) cho biết vào tháng 5-2021 gia đình ông đã chuyển đổi 0,6 ha đất trồng sắn sang trồng cây an xoa. Mỗi cây được trồng cách nhau 1,7 m và theo chu kỳ cứ 6 tháng thu hoạch một lần bằng cách cắt toàn bộ cành lá cách gốc 15 – 20 cm.
Theo ông Khánh, loài cây dược liệu này khá dễ trồng, ít sâu bệnh, năng suất cao và thu nhập gấp nhiều lần so với cây sắn. Trong quá trình chăm sóc, ông Khánh đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ bón phân chuồng và xử lý đất bằng chế phẩm vi sinh. “Thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục mở rộng diện tích cây an xoa lên hơn 1 ha theo định hướng của huyện để tăng thu nhập và tạo nguồn nguyên liệu bền vững” – ông Khánh nói.
Tại huyện Cam Lộ, cây an xoa có nguồn gốc tự nhiên, mọc khá nhiều ở vùng đồi núi. Trước đây, người dân vào rừng cắt cây an xoa về bán cho các cơ sở chế biến cao dược liệu với giá 3.000 đồng/kg tươi. Nhiều người dân dùng lá của loài cây này nấu nước uống hằng ngày để điều trị những bệnh lý liên quan đến gan. Hiện tại, ở huyện Cam Lộ có 2 cơ sở chuyên chế biến cao dược liệu từ cây an xoa để xuất khẩu.
Theo ông Trần Văn Luyến, ở một cơ sở thu mua, chế biến cao dược liệu an xoa xuất khẩu ở huyện Cam Lộ, cây an xoa đang được thu mua ngay tại vườn với giá 12.000 đồng/kg tươi; mỗi hécta an xoa, người dân thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Sau khi chiết nấu thành cao dược liệu, xác cây an xoa còn được tận dụng để làm phân bón.
Ông Trần Hoài Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, khẳng định qua theo dõi cho thấy cây an xoa trên địa bàn đạt năng suất gần 20 tấn/ha, đây là kết quả vượt trên cả lý thuyết. Kinh phí đầu tư trồng một hécta cây an xoa ban đầu khoảng 300 triệu đồng, nhưng thời gian thu hoạch kéo dài từ 7 – 10 năm. Sau khi thu hoạch, cây an xoa sẽ tái sinh và sau 6 tháng chăm sóc cây sẽ cho khai thác.
Về đầu ra sản phẩm, theo ông Linh, thời gian qua, huyện Cam Lộ đã xuất khẩu 2 lô cao dược liệu an xoa thành phẩm sang thị trường Mỹ. Thời điểm này, phía đơn vị thu mua đã cho ứng kinh phí thu mua nguyên vật liệu và huyện đang chuẩn bị ký lô hàng xuất khẩu thứ 3 sang Mỹ. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mời các chuyên gia giúp huyện mở rộng diện tích cây an xoa lên 15 ha. Quá trình này sẽ bảo đảm theo đúng quy trình kỹ thuật và tiếp tục phát triển theo hướng hữu cơ” – ông Linh khẳng định.
Trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, huyện Cam Lộ xác định phát triển cây dược liệu thành hướng đi mũi nhọn và sẽ xây dựng thành vùng nguyên liệu tập trung. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, huyện này sẽ quy hoạch vùng chuyên canh cây dược liệu lên đến 500 ha, gồm: 200 ha cây an xoa, 100 ha chè vằng, 100 ha cây tràm năm gân, 50 ha cà gai leo… Trước mắt, huyện Cam Lộ đã phát triển được khoảng 200 ha cây dược liệu, bảo đảm nguồn nguyên liệu tại chỗ cho các cơ sở chế biến dược liệu trên địa bàn.
Theo Người lao động
Khám phá Quảng Trị và miền trung với dịch vụ du lịch, cho thuê xe:
Hotline: 0233.3.70 80 90 - Website: https://fiveseasons.com.vn