Tìm lại điệu hò Như Lệ một thời…

Thật kỳ lạ nếu như có một điệu hò mà khi người hò cất tiếng, ở một số thời điểm, họ có thể trả giá bằng mạng sống của chính mình. Nhưng cũng chính điều kỳ lạ này giải thích cho điều khác kỳ lạ không kém rằng, giữa buổi binh đao, sức “công phá” của điệu hò dân gian ấy còn hơn cả một đội quân, hơn cả súng ống, bom đạn.

 

Những lúc hàn vi, bà Thời (trái) và bà Khuyến lại gặp gỡ, cùng nhau hò lại những điệu hò xưa cũ

Đánh thức hồn dân tộc

Làng Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị là một địa danh không quá xa lạ. Cách Thành Cổ Quảng Trị chừng 5 km về phía tây, xuôi theo dòng Thạch Hãn xanh trong, Như Lệ hiện hữu là một làng quê trù phú, cảnh sắc đượm tình. Trong kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, hò Như Lệ không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương mà còn nức tiếng khắp vùng Bình Trị Thiên khói lửa. Công lao của hò Như Lệ đối với cách mạng, đến tận bây giờ nhiều người vẫn còn nhắc.

Thời gian qua nhanh xóa mờ những điều cũ, hò Như Lệ cũng vậy. Điệu hò giờ không còn văng vẳng ở trên đò, dưới bến, không còn ơi hỡi bên vành nôi con trẻ nhưng trong tâm khảm những cô thanh nữ của hơn 60 năm về trước, vẫn vẹn nguyên. Bà Ngô Thị Khuyến (80 tuổi) là một trong số đó. Dù chẳng thể biết điệu hò quê hương có tự bao giờ nhưng bà Khuyến đã gắn đời mình với hò Như Lệ từ khi 16 tuổi. Ngày ấy, hò Như Lệ không đơn giản là một điệu hò mà còn là một “bức tâm thư” gửi những con dân nước Việt ở bên kia chiến tuyến. Nên hò Như Lệ có lúc được gọi là “hò địch vận” cũng vì lẽ đó.

Bà Khuyến kể ngày xưa, phàm là người Như Lệ là biết hò, họ hò trong khi đi chăn trâu, cắt lúa, giặt quần áo…nhưng không mấy người dám đi theo bộ đội “hò địch vận”. “Trong những năm 1949 đến 1952, hầu như tuần nào tôi cũng theo bộ đội đi hò. Cứ đêm xuống là chúng tôi đi. Đến gần đồn bốt địch thì bắt đầu đào hầm rồi nhảy xuống đó trú ẩn. Đợi đêm khuya thanh vắng lại bắc loa (làm bằng thùng dầu hỏa cắt đôi) mà hò. Quân lính trong đồn không muốn nghe cũng phải nghe, bà Khuyến nhớ lại.

Nói đoạn, bà lão đã qua tuổi 80, biểu diễn ngay, dù đã móm mém nhưng giọng hò nghe vẫn còn chứa chan: “Anh ơi, chứ xách súng về đây/ Xách súng về đây, đồng xanh chờ đợi/ Xách súng về đây, thắng lợi hưởng chung/ Về đây cho em yên dạ thỏa lòng/ Kẻo mẹ già con dại đêm trông ngày chờ”.

Những ca từ ấy đã tác động mạnh mẽ đến tâm hồn, trái tim của những người lính phía bên kia. Không xót xa, không yếu lòng sao được khi: “Anh đi theo Tây là hóa ngây hoa dại/ Anh đi theo Tây là phản lại kháng chiến, phản lại đồng bào” hay “Ơ hơ, đỡ hay không chứ đêm khuya con khóc, mẹ đau, một mình em chịu/ Một mình anh đứng gác trong đồn có hiểu thấu hay không?/ Nhớ ngày xưa khi anh ở nhà có vợ có chồng/ Chừ nay anh đi rồi, theo giặc cho lòng em đau”.

Vậy mới nói, sức mạnh của điệu hò ấy có thể làm lay động, đánh thức hồn dân tộc trong mỗi người con nước Việt, dù họ đang ở vị trí nào. Hò Như Lệ đã kéo nhiều người rũ bỏ quân phục lén trốn về với cách mạng hay chí ít cũng đã ngăn được việc nã súng vào đồng bào mình.

Hết giặc vẫn còn hò

Ở Như Lệ bây giờ, lớp người từng đi “hò địch vận” chỉ còn mỗi bà Khuyến và lớp sau may ra cũng chỉ có bà Nguyễn Thị Thời (71 tuổi) là tinh thông. Không may mắn có được trải nghiệm đi “hò địch vận” nhưng đổi lại bà Thời lại rành chữ nghĩa, có trí nhớ tốt và chất giọng ngọt mà đến đàn chị như bà Khuyến cũng phải gật gù.

Bà Thời cho biết, giờ chỉ cần muốn là bà hò liên tù tì hết bài này sang bài khác. Bà cũng từng đi “lưu diễn” ngoài thị xã, ngoài tỉnh nhiều lần. Hò Như Lệ đối với bà là máu thịt…Tôi hỏi có phải bây giờ “hết giặc là hết hò không?” thì bà Thời xua tay: “Mỗi thời mỗi khác chứ, giờ hòa bình chúng ta hãy hò lên những điệu hò ngợi ca sự êm đềm, cảnh trí quê nhà hay thậm chí chống lại những điều xấu trong xã hội”.

Năm 2012, nhóm nghiên cứu của Phân viện văn học nghệ thuật Việt Nam tại Huế đã có đề tài nghiên cứu văn hóa phi vật thể hò Như Lệ. Nhóm này cho rằng điệu hò này dựa trên việc vận dụng linh hoạt loại hình diễn xướng dân gian hò mái nhì vốn phổ biến ở Bình Trị Thiên. Nhưng vượt lên khái niệm thường tình đó, hò Như Lệ còn mang tính thời sự, lịch sử, chính trị và quân sự. Đề tài cũng chỉ ra rằng hò Như Lệ đang có nguy cơ thất truyền khi lớp nghệ nhân cao tuổi dần qua đời và nhận định đây là thời điểm gần như cuối cùng để bảo tồn, gìn giữ.

Bà Thời không nói sai bởi bà có cả mấy tập vở ô ly học trò, ghi chi chít các bài hò Như Lệ do chính bà tự đặt lời mới. Ví như: “Anh đến quê em một mùa hè nắng ấm/ Để nghe lại giọng hò Như Lệ thắm đậm quê hương/ Một giọng hò truyền thống nhớ thương/ Xa cách mấy cũng vấn vương trong lòng” hay là những nhắn gửi gần gũi như: “Đạo làm con phải tròn chữ hiếu/ Chăm sóc cha mẹ già phụng dưỡng sớm chiều/ Đem lòng bùi ngọt thương yêu/ Là niềm an ủi cho cha mẹ thật nhiều tuổi thêm”.

Mê hò là vậy nhưng bà Thời cũng lắm lúc chạnh lòng, bà nói nam thanh nữ tú bây giờ có ai mê hò. Như chính bà Thời có 7 người con thì chỉ có 1 cô con gái tên Hằng, nay là nghệ sĩ ưu tú, công tác tại đoàn nghệ thuật Huế mới hò được giọng hò Như Lệ. “Tôi lo rằng khi mấy người như tôi và bà Khuyến xuôi tay thì giọng hò cũng mất”, bà Thời bùi ngùi.

Và chắc cũng chỉ có người tâm huyết với điệu hò quê hương như bà Thời mới có đề xuất rằng: “Nếu thôn, làng tổ chức các lớp học hò vào mỗi tối, tôi sẽ đến dạy. Dạy không công, dạy hết tất cả những gì tôi biết cho các cháu. Cháu nào hò được thì quý, bằng không thì hẳn cũng lận lưng chút vốn về quê hương”.

Tôi đã có những năm tuổi thơ ở xã Hải Lệ, nay trở về tìm lại điệu hò “đánh giặc” mà như ngỡ đang đi tìm lại cả chính tuổi thơ mình. Chợt nhận ra rằng hò Như Lệ là một phần, dù bé nhỏ, trong tôi. Chiều ấy, đi dọc trên triền sông Thạch Hãn, có phải tôi đang mộng mị không mà cứ nghe vọng từ bến đò xa một giọng “hò ơ” Như Lệ, nghe mượt mà như…tuổi thơ của mình. Mà tuổi thơ thì có ai muốn đánh mất bao giờ!

Theo Báo Quảng Trị

 


Khám phá Quảng Trị và miền trung với dịch vụ du lịch, cho thuê xe:

Hotline: 0233.3.70 80 90 - Website: https://fiveseasons.com.vn