Sức sống mãnh liệt dưới làng hầm Vĩnh Linh

Đế quốc Mỹ càng điên cuồng trút xuống mảnh đất Vĩnh Linh (Quảng Trị, nơi đầu Vĩ tuyến 17) hơn nửa triệu tấn bom đạn với ảo vọng “phải biến đất này trở về thời kỳ đồ đá” thì con người và mảnh đất nơi đây càng bất khuất, kiên cường. Với ý chí tồn tại mãnh liệt và khát vọng chiến thắng, quân và dân Vĩnh Linh quyết tâm “một tấc không đi, một ly không rời”, “mỗi làng, mỗi xã là một pháo đài chiến đấu”. Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cả Vĩnh Linh rầm rộ tiến sâu vào lòng đất… tạo nên một kỳ tích của quân và nhân dân ”lũy thép anh hùng”.

Địa đạo Vịnh Mốc nằm trên địa phận thôn Vịnh Mốc và thôn Sơn Hạ, xã Vĩnh Thạch (nay là xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) với một hệ thống địa đạo liên hoàn có tổng chiều dài đường hầm 1.044,77m. Tiêu biểu cho hệ thống làng hầm Vĩnh Linh trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Địa đạo Vịnh Mốc có tất cả 13 cửa ra vào, 7 cửa hướng ra phía biển và 6 cửa thông lên đồi. Toàn bộ đường hầm chia làm 3 tầng nối thông với nhau qua trục chính dài 780m (tầng 1 cách mặt đất 8 – 10m, tầng 2 cách 11 – 15m, tầng 3 cách khoảng 23m).

Bên trên là hệ thống giao thông hào nối thông các làng hầm, địa đạo với nhau tạo thành ”hệ thống làng hầm” liên hoàn trong khu vực. Từ năm 1965 – 1968, toàn huyện Vĩnh Linh đã đào được hơn 2.000km giao thông hào.

Hệ thống giao thông hào được nối từ nhà ra đồng, từ hầm này đến hầm khác, từ thôn này đến thôn khác, xã này đến xã khác… không chỉ phục vụ việc đi bộ mà kể cả việc đi lại bằng xe đạp dưới giao thông hào nhằm đề phòng và giảm thiểu rủi ro khi bom đạn dội xuống. Ảnh tư liệu


Cứ khoảng 50m chiều dài đường hầm lại có một giếng thông hơi, vừa giúp lưu thông không khí vừa là khoảng không để đưa đất đá từ lòng địa đạo ra bên ngoài.


Địa đạo Vịnh Mốc được đào từ tháng 4/1966 đến tháng 12/1967. Trong thời gian gần 2 năm, với 18.000 ngày công đã vận chuyển khoảng 6.000m3 đất đá ra bên ngoài chỉ bằng sức lực, đôi bàn tay, trí óc của con người nơi đây. Ảnh tư liệu


Đây là một trong những địa đạo có cấu trúc, quy mô lớn về chiều dài lẫn độ sâu, cách mặt đất từ 10 – 23m; chiều cao đường hầm từ 1,6 – 1,9m, rộng từ 0,9 – 1,2m. Từ trục chính toả ra nhiều nhánh, mỗi nhánh thông với một cửa ra vào.


Hai bên trục đường hầm, cứ cách 3 – 5m có những ô được đào sâu vào trong vách để tạo ra các căn hộ, nơi ở và sinh hoạt cho gia đình.


Địa đạo là hình ảnh thu nhỏ của một làng quê được kiến tạo dưới lòng đất. Đường hầm chính là đường làng, các ô đất là căn hộ gia đình, đủ sinh hoạt cho 4 người.

Sâu dưới hàng chục mét đã trở thành một không gian sinh tồn, với những nhà hộ sinh là nơi cất tiếng khóc chào đời của những đứa trẻ. Trong những năm tháng chiến tranh, đã có hơn 60 trẻ em sinh ra trong lòng địa đạo. Giữa tiếng bom vang là tiếng khóc chào đời, tiếng cười trẻ thơ như chứng minh cho sức sống bất diệt của con người Vĩnh Linh anh hùng.

Bằng sự tài tình, khéo léo những con người vùng đất lửa đã tạo nên những chiếc giếng âm trong lòng đất phục vụ cho việc nấu ăn, sinh hoạt. Đến giờ này, những dòng nước vẫn trong lành và chưa khi nào cạn.

Trung tâm địa đạo Vịnh Mốc là hội trường với sức chứa khoảng 40 – 80 người, được coi là ngôi nhà chung của mọi người, nơi thường diễn ra các cuộc hội họp, sinh hoạt văn nghệ.


Một cửa địa đạo Vịnh Mốc mở ra hướng biển, vừa giúp lấy không khí trong lành từ đại dương vừa giúp quân và dân quan sát, chiến đấu.

Trong gần 2.000 ngày đêm (1965 – 1972) tồn tại dưới lòng đất, quân và dân Vĩnh Linh tổ chức đánh địch ngay trên quê hương, vận chuyển, tập kết đạn dược, lương thực và hàng trăm chuyến tàu cảm tử chi viện cho đảo tiền tiêu Cồn Cỏ (ảnh tư liệu). Theo quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 Thủ tướng Chính phủ đã công nhận Di tích lịch sử Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh là di tích Quốc gia đặc biệt.

Trong hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, đã có 114 địa đạo với tổng chiều dài trên 40km đã được đào bằng cuốc, xẻng thô sơ và cả tay trần. Nơi đây, sự sống đã lặn sâu xuống lòng đất, những đứa trẻ thơ vẫn sinh ra và lớn lên dưới mưa bom, bão đạn. Ảnh tư liệu


Theo thống kê, từ năm 1964 đến năm 1972, đế quốc Mỹ đã ném xuống Vĩnh Linh hơn 668.000 tấn bom các loại. Trong đó, có những loại có mức độ công phá và sát thương lớn như bom đào, bom khoan, bom bi, bom napan… Tính bình quân, mỗi người dân ở khu vực này phải hứng chịu 7 tấn bom và 10 quả đại bác.

Theo Kinh tế đô thị 


Khám phá Quảng Trị và miền trung với dịch vụ du lịch, cho thuê xe:

Hotline: 0233.3.70 80 90 - Website: https://fiveseasons.com.vn