Gio An là xã có 14 giếng cổ Chăm Pa khoảng 2.000 năm tuổi mà đến nay nước vẫn ăm ắp, trong veo, mát lành. Từ nguồn nước quý này dân trong xã đã trồng ra loại rau xà lách xoong (còn gọi là rau liệt) đặc sản trứ danh.
Đ
Giếng cổ Chăm Pa hàng ngàn năm vẫn tuôn nước
Những năm gần đây, UBND tỉnh Quảng Trị và các ngành liên quan đang chú trọng tôn tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng để xây dựng du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái ở xã Gio An, huyện Gio Linh.
Bởi lẽ, hệ thống 14 giếng cổ Gio An được công nhận là di tích quốc gia năm 2001, mang tầm vóc, ý nghĩa và lợi ích to lớn.
Theo các nhà khoa học, hệ thống giếng cổ Gio An được hình thành vào khoảng từ thế kỷ IX – XI thuộc vương quốc Chăm Pa…
Giếng cổ Gio An được xây dựng ven các quả đồi lớn, nhỏ trong hệ đồi bazan Cồn Tiên, với đặc điểm nổi bật là xây dựng theo phương thức xếp, kè đá, dùng để cung cấp nước cho sinh hoạt và hoạt động nông nghiệp.
Kết cấu của giếng phụ thuộc vào từng loại mạch nước cụ thể là mạnh nước ngầm hay mạch nước phun nổi. Nhưng tất cả các giếng Chăm cổ đều lợi dụng sự chênh lệch về độ cao để tạo ra dòng chảy tự nhiên.
Giếng cổ Gio An có 3 dạng. Một dạng giếng có bể lắng và máng dẫn. Mỗi hệ thống giếng có 3 bậc. Bậc cao nhất là bãi đá rất rộng dùng để hứng nước, được xếp bằng đá cuội lớn, rất cứng.
Từ bãi hứng này, nước chảy qua các máng được đẽo từ đá tổ ong và chảy xuống bậc thứ 2, gọi là giếng. Giếng cũng được xếp bằng đá cuội lớn, có độ sâu khoảng 1m. Từ giếng, nước sẽ chảy vào các mương dẫn tưới tiêu cho đồng ruộng bên dưới.
Dạng thứ hai là những bể chứa được đào sâu và xếp bằng đá cuội lớn ngay cửa mạch nước trong sườn đồi trực tiếp chảy ra.
Dạng thứ ba giống giếng khơi vùng nông thôn, nhưng cũng có sắp xếp đá thành vòng tròn để chứa nước.
Hệ thống giếng cổ Gio An có 14 giếng được đặt những cái tên rất chân quê gồm giếng Côi, giếng Dưới, giếng Búng, giếng Trạng, giếng Đào (thôn An Nha), giếng Gái 1, Gái 2, giếng Nậy (thôn An Hướng), giếng Tép, giếng Ông, giếng Bà, giếng Gai (thôn Hảo Sơn), giếng Máng (thôn Long Sơn), giếng Pheo (thôn Tân Văn).
Ông Lê Phước Hiếu – Phó Chủ tịch UBND xã Gio An cho biết, người dân địa phương không chỉ tự hào Gio An là xã đầu tiên của Quảng Trị được giải phóng (30/12/1964-30/12/2014), mà còn tự hào là vùng đất có giếng cổ ngàn năm và đặc sản rau liệt siêu sạch nổi tiếng Việt Nam.
Xà lách xoong – rau liệt đặc sản siêu sạch của xã Gio An
Ở xã Gio An, giếng Ông, giếng Bà ở làng Hảo Sơn được đánh giá có nhiều nước nhất nên nhiều người dân trong làng được hưởng lợi. Toàn xã có 10-12ha rau xà lách xoong thì ở làng Hảo Sơn chiếm đến 7ha. Nguồn nước nhiều, mát lành nên cây rau liệt đặc sản ở đây to, tươi tốt nên rau ở Hảo Sơn còn bán được giá hơn những nơi khác.
Rau liệt có rất nhiều cách chế biến, như nấu canh với tôm tươi, luộc chấm với ruốc, làm rau sống, ăn với lẩu, đồ nướng và món đặc sản là rau liệt xào với thịt bò…
Gia đình bà Võ Thị Xuyến (50 tuổi, trú thôn Hảo Sơn) trồng gần 1.500 m2 rau xà lách xoong. Bà Xuyến cho biết, không biết nghề trồng rau xà lách xoong ở địa phương có từ khi nào, bởi vừa lớn lên bà đã thấy cha mẹ trồng.
Theo bà Xuyến, trước đây người làng trồng để ăn và bán quanh vùng, sau phát triển rộng ra để bán.
Rau xà lách xoong trồng không khó nhưng nó chỉ sống được ở những nơi ruộng đá, không bùn, có nước mát lành, sạch sẽ.
Vì thế, đến mùa khô, những nơi nước không tới được rau liệt sẽ khô, chết dần. Cho nên, mỗi năm vào tháng 9, người có ruộng đá nằm gần giếng cổ sẽ gây giống rau, rồi bán cho những người có ruộng xa hơn.
Mỗi mùa thu hoạch rau xà lách xoong từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Khi cái nắng mùa hạ đã bắt đầu khó chịu thì thứ rau đặc sản sẽ tàn để kết thúc một mùa…
Một mảnh ruộng đá gần giếng Bà có nguồn nước dồi dào, mát lành nên rau xanh tốt. Ở những mảnh ruộng này rau sẽ tồn tại qua mùa Hè khắc nghiệt, đợi đến mùa Thu để người nông dân gây giống, trồng đại trà. Ảnh: Ngọc Vũ.
“Rau liệt này chỉ cần rải trên ruộng là mọc, nơi nào nước chảy mạnh quá thì lấy hòn đá nhỏ đè lên để chống trôi cây rau. Cứ thế khoảng 15 ngày thu hoạch một lần. Trồng rau liệt dặc biệt ở chổ là không được bón phân. Rau này chỉ cần bón một chút phân tro. Nếu bón nước bẩn nó sẽ vàng úa rồi chết. Bởi vậy người ta đặt cho nó tên rau siêu sạch, rau bác sĩ là thế” – bà Võ Thị Xuân (57 tuổi, trú thôn Hảo Sơn) cho hay.
Theo bà Lê Thị Huệ (45 tuổi, thôn An Nha), người dân nông thôn nuôi trồng nhiều thứ, từ tiêu, khoai, nghệ, gừng, chăn nuôi lợn, bò…Riêng người Gio An may mắn có nguồn nước quý từ giếng cổ, trồng được rau xà lách xoong nổi tiếng, từ đó thu nhập ổn định hơn. Cuộc sống, con cái ăn học cậy nhờ rất nhiều từ loại rau có mùi thơm đặc trưng này.
Phó Chủ tịch UBND xã Gio An Lê Phước Hiếu cho biết, với hệ thống giếng cổ Chăm Pa đặc trưng và rau liệt đặc sản hiếm có, địa phương mong muốn sớm hình thành được hình thái du lịch cộng đồng để nâng cao đời sống người dân.
“Đến Gio An, các bạn sẽ được hoà mình vào cuộc sống làng quê yên bình nhưng không kém phần hiện đại, được ngâm mình trong làn nước trong lành, mát mẻ từ giếng cổ ngàn năm, được thưởng thức rau xà lách xoong siêu sạch, bổ dưỡng…” – ông Hiếu chia sẻ.
Theo Dân Việt
Khám phá Quảng Trị và miền trung với dịch vụ du lịch, cho thuê xe:
Hotline: 0233.3.70 80 90 - Website: https://fiveseasons.com.vn