Ngôn ngữ vùng đất mới
Ông cậu tôi, sinh ở Nam Bộ, nói giọng Nam hoàn toàn. Nhưng ông bao giờ cũng nhớ mình là người Trung, phía Bắc. Thời chia cắt hai miền, nửa nước phía trên đều gọi là Bắc. Ông cậu tôi luôn dùng chữ nghìn, chứ không dùng ngàn như người Nam. Một nghìn, hai nghìn, ba nghìn.
Khi dùng chữ văn hiến, người ta hay kèm với nó chữ ngàn năm. Ngàn năm văn hiến. Thăng Long Hà Nội ngàn năm văn hiến. Nhưng đúng ra người Bắc phải nói là nghìn năm văn hiến. Chữ ngàn có vẻ cổ kính hơn. Khi đi mở cõi về phương Nam, người Việt đã mang theo chữ ngàn ấy và lưu giữ đến bây giờ. Trong khi ở cố hương, những chữ cũ lại theo đà phát triển, biến âm biến hình. Tìm một từ xưa cũ, người ta hay tìm trong ngôn ngữ phương Nam.
Vùng đất mới, ngôn ngữ thường được giản tiện, nhiều từ đồng nghĩa chỉ được chọn lấy một. Không đồng nghĩa mà chỉ hơi giống, tương đương, cũng chỉ chọn lấy một. Tiếng Anh cố hương và tiếng Mỹ vùng đất mới chẳng hạn. Để chỉ người làm việc dịch thuật, tiếng Anh phân biệt người thông ngôn, dịch nói (interpreter) và người biên dịch, dịch viết (translator). Nhưng người Mỹ thì không thích lằng nhằng sốt ruột, thường chỉ dùng một từ translator để chỉ cả đôi. Người Mỹ cũng gọi cả nam diễn viên (actor) và nữ diễn viên (actress) thành một từ chung: actor, chỉ những dịp lễ lạt hội hè hoặc ở những diễn đàn cần phân biệt, họ mới tách ra hai từ cho hai giới tính. Cuộc cách mạng nữ quyền cũng khiến phái nữ không muốn bị phân biệt thành riêng một danh từ. Người ta có xu hướng gọi chung cả ông/bà đại sứ là Ambassador, chứ không gọi bà đại sứ là Ambassadress như tiếng Anh xưa.
Người Anh phân biệt rõ chiếc thuyền (boat) và con tàu (ship). Nhưng người Mỹ giản tiện, dùng luôn một chữ boat cho cả tàu lẫn thuyền. Giống như người Bắc phân biệt cái nón với cái mũ, nhưng người Nam ta chỉ gọi tất cả là cái nón, một từ là xong. Đơn giản, tiện lợi, thực dụng, tóm lại là chỉ cần hiệu quả. Nhưng ngôn ngữ vì vậy mà cũng đơn giản theo, ít sắc độ, bớt phần tinh. Người Bắc nói con đường, tức là một lối đi mà hai bên có thể không có nhà cửa gì cả. Còn phố thì chắc chắn là một con đường có xây nhà. Đường là đường mà phố là phố. Nhưng vào đến vùng đất mới, tất cả đều là con đường mới mở, ban đầu còn thưa vắng nhà, gọi tất là đường. Đường đất đỏ thì vùng đất mới nào cũng có. Như Broadway có ở nhiều thành phố của Mỹ. Dần dần nhà cửa đông đúc lên, chen chúc, đã thành phố hẳn hoi, vẫn gọi là đường. Rồi ngôn ngữ phương Nam ăn theo một nền báo chí phương Nam đang thịnh, tác động ngược lại với phía Bắc. Nhiều người Bắc bây giờ cũng theo xu thế ấy mà gọi phố là đường.
Những lối rẽ nhỏ từ phố vào, gọi là ngõ, ngõ nào nhỏ hẹp thì gọi là ngõ hẻm. Vào đến Nam Bộ, cái ngõ hẻm gọi là con hẻm cho xong. Ngõ to cũng gọi là hẻm cho xong. Không phải phân biệt phiền phức. Sốt ruột.
Một mặt ngôn ngữ Nam bảo tồn những gì mang theo từ Bắc, nhiều từ Hán Việt rất cổ. Mặt khác, nó lại tìm cách giản tiện theo lối của vùng đất mới, không Hán Việt nữa mà rất nôm. Anh Phú ở Bắc vào đến Nam được đặt tên là anh Giàu. Phú là giàu thì gọi toạc ra là giàu, việc gì phải uyển ngữ lôi thôi. Tiếng Bắc đặt tên con là Đệ, Hoàng Văn Đệ, thì tiếng Nam đặt tên là Huỳnh Em. Miền Bắc đặt tên con là Nam, thì miền Nam đặt luôn là Đực, Võ Văn Đực. Xong. Đơn giản.
Cái họ Võ vừa nhắc, được cho là biến âm từ họ Vũ ở miền Bắc. Rất nhiều ví dụ về biến âm, cũng có nhiều lý do. Một lý do ấy cũng là vì ở vùng đất mới, mọi thứ giản tiện đi. Tiếng Anh nói can (phát âm tương tự: khen) nghĩa là có thể, can’t (phát âm: khant) là không thể. Nhưng người Mỹ chỉ phát ra hầu như một âm (tất cả đều là khen, cái phụ âm tê (t), phụ âm nổ đằng sau từ phủ định hầu như khó nghe thấy). Plant, người Mỹ phát âm cũng gần như plan (đều là pờlen, âm a đã hóa thành âm e). Cùng một từ email, Anh phát âm là imêu, Mỹ phát là imeo. Xu hướng phát âm của Mỹ thì a thành e mà ây cũng thành e.
Thế mới có chuyện đùa trong đám người Việt nói tiếng Anh: ở Đà Nẵng có cộng đồng người Quảng Ngãi, những người phát âm theo kiểu: Re Đè Nẽng gẹp eng. Ra Đà Nẵng gặp anh. A phát âm thành e. Đấy là lý do tại sao năm 1965 Mỹ đổ quân vào miền Nam Việt Nam, điểm đổ bộ đầu tiên là cảng Đà Nẵng. Phát âm giống nhau. Dễ hiểu nhau.
Phương ngữ đủ độ thì hay
Đang nói chuyện phương ngữ, xin có mấy dòng thư giãn. Trong tiểu thuyết Mười lẻ một đêm (2004), tôi có xin phép nhại giọng miền Trung: “Ở trường Mỹ thuật, có lần đúng giờ học vẽ mà người mẫu nam không đến. Gã sinh viên tót ngay lên cái bục gỗ, tụt hết ra làm mẫu cho cả lớp vẽ. Đứng ngồi tô hô các tư thế, lại còn cười nói đối đáp trêu chọc bạn cùng lớp. Chẳng có người mẫu nào lại tự nhiên và sinh động bằng. Đám sinh viên nam và sinh viên nữ đều được việc. Chỉ có thầy chủ nhiệm, một họa sĩ khắc kỷ cuối giờ vào lớp thấy vậy thì rút dép ném đúng vào chỗ hiểm của gã. Thầy đuổi trò tồng ngồng chạy vòng quanh cái bục gỗ, thầy chửi bằng giọng miền trong nồng nặc như tiếng Ý. Tổ cha mi mi từ mô ra mi mần răng mà mi lại ra ri”.
Đấy là tiếng Ý. Có người nói miền Trung của ta còn là cái nôi của tiếng Nhật nữa. Nói cách khác, giọng Trung có chung nguồn gốc với giọng Nhật. Tiếu lâm trên mạng kể một người Nhật đã phát hiện ra điều này khi nghe hai người miền Trung đối thoại:
– Mi đi ga ni?
– Ừ, tau đi ga ni. Mi đi ga mô?
– Ga tê. Tau đi ga tê.
– Ga tê ga chi?
– Ga Lăng Cô tề.
– Răng đông như ri?
– Ri mà đông chi.
– Mi ra ga mô?
– Ra ga Nam Ô.
– Khi mô mi đi?
– Chừ chứ khi mô.
– Mi lo đi đi.
– Ừ, tau đi nghe mi.
Người đọc nào không hiểu, hãy tìm một người địa phương để phiên dịch.
Lại nhớ thời chiến tranh có tiểu thuyết kể về vùng Quảng Nam Đà Nẵng, dùng toàn thổ âm thổ ngữ trong suốt cuốn sách mấy trăm trang. Người đọc chóng mặt, nhức đầu, ù tai. Phương ngữ đưa vào có liều lượng, vừa đủ độ thì tạo được không khí cho người đọc tin, cho người đọc thích. Quá mức độ thì phản cảm, thậm chí có thể người ta phải bỏ sách.
Lại nữa, cuốn tiểu thuyết cách đây chưa lâu của một nhà văn vùng Đông Bắc, đoạn viết về chiến tranh ở miền Nam Trung Bộ, mấy cô du kích bắt được một anh chàng bị nghi là địch. Các cô lập biên bản, mà viết lẫn lộn e lờ en nờ: một nà, hai nà… Mấy cô Nam Trung Bộ mà nói ngọng như người đồng bằng Bắc Bộ.
Ở chỗ này, có lẽ phải nhắc đến nhà văn Đoàn Giỏi. Tôi nhiều lần đọc lại tiểu thuyết Đất rừng phương Nam, cuốn sách viết hơn năm mươi năm trước vẫn như của nhà văn hôm nay viết, vẫn không thấy cũ.
Nhiều cảm xúc. Mượn vỏ phiêu lưu du ký để mang đến những cái lạ về vùng đất và con người phương Nam. Lại đặt trên nền cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ với nhiều biến cố li kỳ.
Đoàn Giỏi là nhà văn người Nam Bộ xử lý rất khéo ngôn ngữ địa phương. Gia giảm vừa đủ độ, ở mức tạo được không khí Nam Bộ, nhưng không quá đà để làm người đọc bị rối, khó hiểu và khó chịu. Nhiều ngôn từ đã được Bắc Bộ hóa, ví dụ dì Tư Béo chứ không phải dì Tư Mập. Đối thoại được chuẩn hóa chứ không câu nệ cách nói Nam Bộ (sẵn sàng đưa vào những ngôn từ không phải Nam Bộ như này, nọ, kia, đấy, nhỉ…). Cuốn sách là một ví dụ tốt cho việc sử dụng phương ngữ trong văn chương đến mức độ nào là vừa, cũng là một ví dụ về sự cần thiết chuẩn hóa ngôn ngữ trong tác phẩm về một địa phương nào đó.
HỒ ANH THÁI (Tạp chí Cửa Việt)
Khám phá Quảng Trị và miền trung với dịch vụ du lịch, cho thuê xe:
Hotline: 0233.3.70 80 90 - Website: https://fiveseasons.com.vn