Nghĩa Trũng đàn – nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên của Việt Nam

“Đây là nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên của Việt Nam” – nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khẳng định như vậy khi nhắc nhớ về Nghĩa Trũng đàn ở làng Thạch Hãn, thuộc khu phố 8, phường III, thị xã Quảng Trị.

Dù ở giai đoạn lịch sử nào đi nữa thì người lính vị quốc vong thân khi ra chiến trận giữ gìn đất nước, hẳn xứng đáng được người đời xưng danh là liệt sĩ. Và ai biết đến Nghĩa Trũng – nơi yên nghỉ của hơn 600 người lính Tây Sơn áo vải cờ đào theo Nguyễn Huệ ra Bắc chinh phạt quân Thanh – hẳn sẽ không tiếc lời gợi nhớ.

Dấu tích của đạo Nhân, tích trồng cây Đức

Vào đầu những năm 1870 triều Nguyễn trị vì đất nước, Trung nghị đại phu Phó đô ngự sử Hoàng Hữu Lợi, đời thứ 12 của Hoàng tộc ở làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, Quảng Trị nhiều lần tuần thăm vùng dọc sông Thạch Hãn.

Ông chứng kiến nhiều mả mồ vô chủ trên các biền bãi và bị lũ quét trơ cả cốt hài, vị quan này đã thấy dâng lòng trắc ẩn. Năm 1872 (năm Tự Đức thứ 25), ông mở lòng từ tâm bỏ tiền của ra mua 7 sào đất ruộng của dân làng Thạch Hãn, cắt lại 3 sào khai lập một nghĩa trang để quy táng lại các hài cốt “âm hồn” ấy. Rồi các lượt lưu dân trong hành trình Nam tiến theo Chúa Nguyễn, không may gặp kiếp nạn, thác xác thân nơi gốc tre, bãi cỏ triền sông Thạch Hãn cũng được con cháu họ Hoàng quy tụ về đây. Nghĩa Trũng đã bắt nguồn từ đó…

Nghĩa Trũng đàn được con cháu dòng họ Hoàng cất lập và thờ tự các vong linh.

Cốt tử của Hoàng Hữu Lợi là Hiệp biện Đại học sĩ Hoàng Hữu Xứng, khi làm quan Tuần vũ Hà Nội, hành hạt quanh thành Thăng Long lại gặp di chỉ của lớp lớp mộ hoang không ai thờ tự. Ông liền diện vấn các kỳ lão trong vùng mới ngộ ra, đó là cốt này của nghĩa quân Tây Sơn miền Thuận Quảng (Huế – Quảng Trị ngày nay) đã ngã xuống khi theo Nguyễn Huệ ra Bắc chinh phạt giặc Thanh xâm lược vào mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789.

Hiệp biện Hoàng Hữu Xứng chợt nghĩ ra rằng, nắm xương tàn giặc quân Thanh chết trên chiến trận nước Nam khi mưu đồ xâm lược còn được quy táng thành gò Đống Đa, huống chi là di hài của các chiến sĩ đã vì nước quên mình? Ông bèn thuê người thu tập được hơn 600 bộ hài cốt, rồi cho ghe bầu đưa các vong linh từ đất Bắc ngược trở về đất mẹ quê hương xứ sở, cải táng ở Nghĩa Trũng.

Quan Xứng còn bỏ công cất dựng Nghĩa Trũng khang trang hơn với chiều dài 70m, rộng 17m, cao 1m so với mặt đất ruộng, quây thành bao bọc và xây thêm đàn Nghĩa Trũng để thờ cúng các vong linh. Và đến đây, Nghĩa Trũng đã thành một nghĩa trang đặc biệt – chốn yên nghỉ của hơn nghìn vong linh bơ vơ trong đất trời. Và hơn phân nửa số đó, là xác thân những liệt sĩ không biết tên của đoàn quân Tây Sơn áo vải cờ đào.

Cứ 25 tháng Chạp Âm lịch hàng năm, một lễ tế trang trọng sẽ được tổ chức tại Nghĩa Trũng, quan lớn địa phương là chủ tế, cùng các con cháu Hoàng tộc. Đến đời Thành Thái, nghĩa trang này được đưa vào quy chế quốc gia, ban ruộng, miễn thuế sưu để người làng tận tâm chăm lo hương tự…

Trải qua dâu bể trăm năm

Lịch sử đã ngẫu nhiên hay sắp đặt mà đất Quảng Trị luôn là nơi để liệt sĩ chọn chốn nằm lại? Trăm năm sau, ngay trên vùng đất lập Nghĩa Trũng, xảy ra cuộc chiến ròng rã 81 ngày đêm – trận chiến khốc liệt mà oai hùng của quân ta đánh Mỹ, Thành cổ Quảng Trị – mùa hè rực lửa 1972. Trận chiến ấy đã phá nát Thành cổ và thị xã Quảng Trị thành đống bình địa hoang tàn. Nghĩa Trũng cũng không là ngoại lệ…

Hòa bình lập lại, cái khoảnh đất vùi xương cốt ngàn sinh linh ấy bị người đời quên lãng. Cụ Phạm Bá Khanh (86 tuổi), một trong những lão làng Thạch Hãn hiếm hoi còn biết về Nghĩa Trũng, kể rằng: “Phong trào hợp tác hóa, ủi san đất khai điền và cái gò đất này cũng không ngoại lệ, nhưng cứ bao lần xe xích, xe ủi chĩa máng vào Nghĩa Trũng là… chết máy, nằm ì ra”.

Tấm bia do nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường chấp bút giới thiệu về Nghĩa Trũng.

Đám tài xế hoảng quá, hỏi kỳ lão trong làng mới biết là nơi an táng những nắm xương bạc mệnh. Thời cuộc xây dựng quê hương, những điều mê tín dị đoan đã không còn có chỗ đứng, nhưng may mắn, hàng chục lần máy móc vào mà không thể biến Nghĩa Trũng thành đất cấy cày của hợp tác xã.

Mãi năm 1996, tất thảy con cháu Hoàng tộc bôn ba khắp mọi miền lại góp sức qua hai đợt trùng tu, hoàn tất ngày 26/8. Tấm văn bia Nghĩa Trũng do nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, dòng dõi họ Hoàng đời thứ 16 chấp bút, có đoạn: “Tìm một mảnh đất để nắm xương lạc loài có chỗ quy về, ấy là đạo lý của người sống đối với những sinh linh bất hạnh đã khuất. Nghĩa Trũng đàn được lập nên là bởi điều nhân dù nhỏ nhưng không thể không làm vậy”…

Từ năm 2002 – 2011, Nghĩa Trũng lại được tu bổ thêm 3 lần để khu thờ tự khang trang, ấm cúng hơn. Ngày 16/12/2010, UBND tỉnh Quảng Trị công nhận Nghĩa Trũng là di tích lịch sử cấp tỉnh. Tháng 7 tri ân, nườm nượp khách về tưởng niệm Thành cổ, Nghĩa trang Đường 9, Trường Sơn… Nhưng chẳng mấy ai biết rằng, còn đó Nghĩa Trũng nơi góc làng Thạch Hãn là một nghĩa trang quốc gia của những nghĩa binh áo vải cờ đào và đến bây giờ cũng chỉ do một dòng họ lo chăm hương khói.

Đứng từ Nghĩa Trũng nhìn về hướng làng xóm, cánh đồng quê yên bình, chúng tôi tin có một phần cốt hài của những liệt sĩ đã vị quốc vong thân 3 trăm năm trước đã hòa theo dòng phù sa sông Hãn về tưới tắm cho những cánh đồng, những làng quê trù phú. Dẫu biết đã qua mấy trăm năm dâu bể, thêm mấy mươi năm bom đạn chiến tranh muôn phần tàn phá, dẫu biết không gì vĩnh cửu trước thời gian, nhưng nhìn Nghĩa Trũng có phần cô quạnh và ít người lai vãng, chợt buồn thấy chạnh lòng trách hậu thế đã hững hờ…

Theo Báo pháp luật 


Khám phá Quảng Trị và miền trung với dịch vụ du lịch, cho thuê xe:

Hotline: 0233.3.70 80 90 - Website: https://fiveseasons.com.vn