Sông Đakrông đi qua hầu hết các xã thuộc huyện Đakrông (Quảng Trị), nơi có những ghềnh thác chẳng đủ lớn, chẳng đủ hùng vĩ để đi vào thơ ca. Nhưng lại đủ điều kiện cho một loài cá đặc sản sinh sôi – cá mát, một loài cá đủ ngon để níu chân thực khách trở lại Đakông sau mỗi lần đến; đủ mát lành như cái tên của nó để những người dân bản địa tự hào khi kể về ẩm thực quê hương; đủ để những người khó tính kiếm tìm khi muốn có một món ăn đậm vị.
Loài cá này sinh trưởng tự nhiên trên khắp các sông suối thuộc các huyện miền núi vùng Đakrông và Hướng Hóa ở Quảng Trị và các huyện miền núi tỉnh Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định.
Nhưng có lẽ, đối với những người sành ăn thì hiểu rõ nhất rằng không cá mát ở đâu ngon bằng cá mát ở khu vực sông Đakrông thuộc các xã Tà Long và Húc Nghì thuộc huyện Đakrông quê tôi. Món cá mát ở đây không chỉ nổi tiếng vì chất lượng cá thơm ngon nức lòng mà cá mát quê tôi còn nổi tiếng vì món “roãi tăng” tạm dịch là “mắm ruột đắng” được làm từ nguyên liệu chính ruột loài cá này.
Cũng chính vì cái nguyên liệu đặc biệt ấy của món ăn nên tôi mới có dịp khịa ông anh “ăn gì không ăn lại thích ăn…”.
Hằng năm, khoảng bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 6 âm lịch, khi dòng sông Đakrông trong vắt chẳng còn bị những trận mưa kéo theo bùn đất từ các ngọn đồi đổ về, những ghềnh thác trên sông sạch đến độ bạn có thể nhìn thấy cuộc sống rộn ràng của cách loài sinh vật li ti xuyên qua làn nước trên những đám rong rêu thẩm xanh mướt mát. Đó chính là nguồn sống của loài cá mát để chúng bắt đầu một mùa nảy nở sinh sôi và cũng chính là thời điểm người ta có thể đánh bắt được nhiều cá mát nhất. Thời điểm mà ruột cá mát sạch nhất, phù hợp nhất để dùng làm mắm.
Cũng giống như những món ăn khác của người Vân Kiều vốn chẳng cầu kỳ hình thức chế biến, “Roãi Tăng” (mắm ruột cá mát) được người dân quê tôi thực hiện vô cùng đơn giản: Dùng ruột cá mát ngâm cùng muối sống cho vào ống tre bịt kín để ít nhất một tháng. Đợi đến khi mắm chín mở ra thơm lừng, sánh mịn nhìn có một lớp mỡ màu rêu đen đậm sánh bóng bên trên là có thể mang ra chế biến làm thành đồ chấm rau củ, thịt luộc, cá nướng hoặc ăn cùng cơm nóng.
Nghe ra cũng chẳng có gì đặc biệt, vậy mà món ăn có vẻ “lập dị” ấy lại khiến cho ông anh người phố phải trố mắt ngợi khen.
Cái đặc biệt không phải ở cách làm mắm, càng chẳng phải vì nó là nội tạng của loài cá được xếp vào loại thượng hạng. Mắm ruột cá mát đặc biệt vì những dư vị nó mang lại cho thực khách, tạo nên sức hấp dẫn lạ lùng.
au một tháng ngâm ủ, khi mở ra bạn sẽ cảm nhận được mùi mắm thơm lạ kì. Mắm ruột cá mát có một mùi thơm nhẹ đặc trưng khiến những thực khách yêu quý nó muốn hít hà và nhớ mãi.
Mỗi khi ăn, chỉ cần múc đôi thìa cho vào cái nồi bé xíu, cho thêm ít bột ngọt, nấu với lửa nhỏ liu riu, dùng thìa khuấy nhẹ liền tay đến khi mắm chuyển màu rêu đen, sánh mịn thơm nức. Để món mắm đậm vị hơn, bạn cần chọn vài quả ớt bản đang xanh giã chung cùng ít củ kiệu bản và vài hạt tiêu rừng rồi cho vào cái bát con con. Nấu xong bạn trút mắm vào bát ớt khuấy đều lần nữa sẽ đảm bảo cảm giác đầu tiên bạn nghĩ đến đó là thèm cơm cực kỳ.
Mắm ruột cá mát không chỉ đặc biệt ở màu sắc, mùi thơm. Dù là ruột của cá nhưng “đầu vào” của cá mát rất sạch. Cá mát chỉ ăn những loại rong rêu sạch mướt, nhỏ mịn bám trên ghềnh đá dưới dòng nước chảy tưởng chừng như tinh khiết.
Khi ăn, mắm ruột cá mát có vị đắng thanh mà hoàn toàn không cảm nhận được vị tanh của cá, vị chát mặn của muối. Cảm giác như bao nhiêu sự mát lành, ngon ngọt từ loại cá thượng hạng tan vào miệng cùng với những gia vị đi kèm.
Ngoài mắm ruột cá mát ăn cùng cơm nóng ngon “hết sẩy”, thì cá mát nướng chấm mắm là món ăn khó cưỡng vào mùa mưa lạnh. Vào mùa này, các món “giá vị của rừng” như đọt mây, nỏn đoác, măng rừng, bắp chuối… đang trong thời điểm ngon nhất. Chúng sẽ cùng “đồng điệu” với vị thơm của cá, vị béo của mắm sẽ làm nên một bữa tiệc đầy sắc màu và hương vị.
Dòng sông Đakrông bây giờ, sau không biết bao nhiêu sự nỗ lực uốn nắn của chi chít các công trình thủy điện, lại khoác lên nó cái vẻ đẹp của một “nàng hậu dao kéo”, không còn những thô, mộc, gồ ghề, xanh ngát, phẳng lỳ uốn éo phô diễn đường cong mà giờ trong lòng sâu hoẳm, rỗng tuếch chỉ cuồn cuộn hiểm nguy.
Thế nhưng, khi bạn đến Tà Long, Húc Nghị nơi được thiên nhiên ưu ái bởi không chỉ có dòng Đakrông đi qua mà còn có rất nhiều con suối lớn nhỏ làm nơi trú ngụ của loài đã đi vào “huyền thoài” của con sông này.
Theo Xanhx
Khám phá Quảng Trị và miền trung với dịch vụ du lịch, cho thuê xe:
Hotline: 0233.3.70 80 90 - Website: https://fiveseasons.com.vn