Lễ hội A riêu Ping của đồng bào Pa Cô ở miền tây Quảng Trị là một lễ hội tưng bừng, hoành tráng, trang trọng, chu đáo hơn so với các lễ hội khác, nhất là lễ hội này được tổ chức chính thống 10 năm một lần của họ trên những cánh rừng đại ngàn Trường Sơn bao la, hùng vĩ.
Nguyên nghĩa của cụm từ “Ariêu Ping” là lễ cải táng, tức là cất bốc, quy tập hài cốt về ngôi nhà chung của dòng họ như khi đang còn sống, thể hiện sự đoàn kết gắn bó huyết thống và mối cộng cảm từ buổi hình thành tộc người cho đến nay, do đó đã tạo được sự khác biệt cơ bản với tộc người lân cận trở thành nét văn hóa độc đáo trong tiến trình phát sinh và phát triển. Qua đó, lễ hội Ariêu Ping thể hiện nét văn hóa tâm linh, sự tôn kính, hiếu nghĩa của những người đang sống với những người đã khuất. Lễ hội rất quan trọng này còn là dịp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn các huyện miền núi ở Quảng Trị; kết hợp giới thiệu, quảng bá các giá trị bản sắc văn hóa của người Pa Cô như văn hóa cồng chiêng nhằm tích cực góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cha ông để lại, đồng thời năng cao kiến thức văn hóa cồng chiêng cho thế hệ trẻ nhằm phát triển loại hình văn hóa đặc sắc này ngày một hoàn thiện hơn.
Già làng, trưởng dòng tộc… là người đứng đầu chịu trách nhiệm điều hành lễ hội. Người ta sẽ làm chung một ngôi nhà nằm ở trung tâm dùng để mời các già làng, trưởng bản lân cận, những vị khách quý đến tham dự ở trong suốt thời gian lễ hội diễn ra. Còn lại những dòng họ khác sẽ làm nhà xung quanh, hoặc ở tại nhà mình nấu ăn riêng, nhưng trong đó phải có mâm cơm góp mời khách quý. Đây là lễ hội lớn nên việc chuẩn bị khá công phu, đầu tiên là cho người vào rừng chọn cây để về làm cây nêu. Cây nêu đòi hỏi phải có thân thẳng, gỗ đẹp tròn trịa; bên cạnh đó chọn làm sao cho được những cây tre dẻo dai, sau đó chẻ nhỏ, vót mịn để làm những chùm tua buộc lên cây nêu. Lễ hội thực sự có không khí rộn ràng là khi cây nêu được dựng lên. Nó vừa đẹp vừa thiêng liêng, tượng trưng cho uy lực của làng, của dòng họ, là nơi ở của các vị thần linh được con cháu mời về dự lễ.
Trước khi cất bốc hài cốt về nhà Trạp (nhà quàn hài cốt) khoảng 3 ngày thì cây nêu được dựng lên, đồng thời các lễ vật gồm gà luộc, rượu để trong chiếc Pã điền và một con gà sống buộc vào tua rua của cây nêu để cúng người đã khuất. Muốn những người đã khuất hưởng và về đông đủ thì các gia đình và dòng họ phải tiến hành tổ chức lễ hội đâm trâu.
Lễ hội đâm trâu là lễ dâng cúng trời đất, mừng Lễ hội Ariêu Ping của làng được tiến hành. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, lễ hội đâm trâu là biểu tượng của tục hiến sinh các tù binh trong lễ cúng thần sau các cuộc chiến tranh xung đột giữa các tộc người trong vùng và cũng là biểu tượng của tinh thần thượng võ… Cột ở giữa cao nhất, đẹp nhất là cột của làng được buộc một con trâu (hoặc cũng có thể được thay thế bằng con bò như sau này), sẽ là vật hiến sinh đầu tiên của lễ hội đâm trâu. Và số bò, dê đem ra buộc ở các cây cột này đều được xẻ thịt để dâng cúng và đãi khách. Với đồng bào Pa Cô, trâu, bò hay dê không có gì khác nhau và không quan trọng lớn nhỏ. Bởi lẽ, họ quan niệm rằng “ Bộ lòng thể hiện tình cảm mà trâu, bò, dê đều có bộ lòng đầy đủ như nhau nên dùng bộ lòng đó để cúng và đãi khách thì cũng như nhau”.
Sau tiệc rượu ở nhà hội đồng, đoàn già làng và nhạc lễ (đội A dên) của làng trong những bộ trang phục truyền thống đi thành đoàn, vừa đi, vừa tấu nhạc, hát múa, tập trung về Trung tâm lễ hội. Ở đó, họ chuẩn bị múa Xía-Ty- Ría, tức là múa đâm trâu. Trước khi đâm trâu, cả đoàn phải múa, vì theo nghi thức lễ hội của người Pa Cô, không múa không thành lễ hội. Mà Lễ hội A riêu Ping lại có đâm trâu nên phải múa Xía-Ty-Ría trước khi đâm trâu. Cả đoàn lại vừa múa vừa tấu nhạc, nhịp nhàng uyển chuyển từng bước chân, người lắc lư theo điệu nhạc vòng quanh những vật hiến sinh. Sau khi các nghi thức khác đã xong, họ thực hiện nghi lễ đâm trâu (được bò thay thế). Vật để đâm trâu có nơi là một cây cói (tựa như cây giáo) sẽ được giao cho một người mạnh khỏe, khéo léo thực hiện bằng một nhát đâm chí mạng vào nách trái con vật trúng ngay tim khiến vật hiến sinh chết gục ngay tại chỗ. Nghi lễ đâm trâu là sự thể hiện cam kết tình cảm giữa làng với làng, người với người, người với thần linh, dòng họ với dòng họ, tăng thêm sự cố kết cộng đồng, con người với vũ trụ bao la, vô tận và huyền bí.
Sau khi nghi lễ đâm trâu xong, họ nào về nhà nấy để xẻ thịt trâu, bò, dê để cúng tế, mời khách và cùng nhau ăn uống…
Công tác chuẩn bị đã xong, đại diện các dòng họ tiến hành cất bốc các hài cốt từ rừng ma về. Theo luật tục thì khi bốc hài cốt còn mới, người trong gia đình hỏi “bốc hết chưa”, người giúp cất bốc chỉ cần lấy một vài bộ phận nào đó tượng trưng mà trả lời “hết rồi” thì xem như hài cốt người quá cố đã đầy đủ. Riêng đối với những người không tìm thấy hài cốt thì phải tiến hành những nghi lễ khác. Người ta sẽ cất bốc theo hình thức cầu hồn (A Liêm), có nghĩa là họ bỏ một ít thức ăn vào tấm vải rồi khấn tên người quá cố, sau đó bất kể loại côn trùng nào như kiến, châu chấu… bò đến hoặc bay vào tấm vải thì gói lại rước đi xem đó là thể xác người mất đã về…
Điều đáng chú ý ở đây là trong quá trình đưa hài cốt từ rừng ma về không được đi ngang qua làng. Khi các nghi lễ phục vụ cất bốc hài cốt diễn ra cũng là khi các loại nhạc cụ như trống, khèn, thanh la, chiêng, tù và nổi lên. Tục lệ này được gọi là “đánh trống – chiêng nuôi người đã khuất”.
Bên cạnh đó sẽ có một đội Aroi – khóc có tiếng nói, nhằm kể lại công lao của người đã khuất cho thế hệ con cháu cùng nghe. Đồng thời họ cũng có một đội Adên – hát múa. Họ quan niệm khi những người thân của họ đã được quy tụ gần nhau, gia đình sum họp thì đó là chuyện vui nên khi mọi nghi lễ xong thì họ vui múa hát xung quanh nhà Trạp. Chúng ta nhìn thấy hình ảnh các chàng trai vừa đánh trống, vừa gõ chiêng và nhảy múa vòng quanh các hài cốt theo chiều ngược kim đồng hồ, phải chăng đó là quan niệm kết thúc vòng đời người nhưng lại là ý muốn trở về gặp gỡ những người đã khuất để tâm sự, ngợi ca về phẩm chất đạo đức, sự đóng góp công sức xây dựng bản làng của họ qua những bài hát mang tính chất kể lể… Các chị, các mẹ thì chăm sóc linh hồn bằng cách thắp hương, rót rượu, châm thuốc, hoặc gắp thức ăn cá, thịt cho linh hồn an hưởng
Tại nhà Hội đồng, các già làng, trưởng bản cho biết, lễ hội Ariêu Ping được tổ chức nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc về phong tục tập quán trong cộng đồng; mối quan hệ khơi- cuja (nội, ngoại) gần xa có dịp hội tụ cùng ra mắt cho con, cháu nhận biết nhau, bày tỏ tình cảm lâu ngày gặp nhau, tránh nhầm lẫn trong quan hệ hôn nhân của các thế hệ trẻ mai sau; giải quyết về chuyện di dời khu nghĩa địa, quy tập hài cốt xây lăng, đắp mộ về một nơi nhất định, lâu dài thích hợp với tình hình hiện nay; thắt chặt mối quan hệ láng giềng, phân định lại ranh giới đất đai; phân công trách nhiệm của từng làng về quan hệ giao tiếp, ứng xử và đối phó, xử lý các tình huống có thể xảy ra trong đời sống hàng ngày…
Ngoài ra, đây còn là dịp để tiếp tục nâng cao vị trí, vai trò và trách nhiệm của các già làng về quản lý, điều hành, chủ trì tổ chức, sắp đặt các công việc trong làng như: cúng tế, lễ nghi, hôn nhân gia đình, công tác ngoại giao… Tất cả các hoạt động đều phải được sự thống nhất của hội già làng trước khi quyết định.
Trong Lễ hội Ariêuping có một tốp gọi là Ardọoc, nếu thiếu tốp này thì lễ hội sẽ không tránh khỏi buồn tẻ. Tốp này gồm chừng 10 người đến từ các bản khác nhau, chủ yếu là đàn ông – họ như một đoàn hề. Tốp này đi từ dòng họ này đến dòng họ khác. Tới đâu nếu thấy những người trong dòng họ vui vẻ, đón tiếp chu đáo thì đến dòng họ khác, tốp này sẽ hát ca ngợi, nếu không thì ngược lại… Cứ như thế, tốp này đi đến đâu, dòng họ nào cũng phải nghênh đón đàng hoàng tử tế. Sau khi đi một vòng quanh các dòng họ, tốp Ardọoc sẽ đến ngôi nhà chung dành cho già làng, trưởng bản và khách quý, sau đó lại hát lên những bài ca ngợi hay chê bai tùy theo tình hình. Đội này như một đội giám sát vậy, sẽ phản ánh đầy đủ các mặt
Sau khi cây nêu đã hoàn thành thì mọi người lại chuẩn bị những công đoạn để dựng nhà mồ. Bà con dân bản ở đây thường làm nhà mồ theo kiểu dân gian truyền thống. Thông thường nhà mồ được đặt nơi rộng rãi, ở gần các con suối. Với quan niệm là gần suối có nước chảy quanh năm, những người đã khuất sẽ được mát mẻ, thuận lợi trong việc làm ăn ở thế giới bên kia. Nhà mồ là nơi đặt hài cốt tập thể, không phân biệt gái trai, miễn là đều qua đời vì ốm đau bệnh tật (trừ mất vì bom mìn, tai nạn). Phía trước nhà mồ thường được trang trí bằng các hình người nam, nữ khỏa thân được đẽo từ cây rừng tượng trưng cho hạnh phúc và sự sinh sôi. Những ngôi nhà mồ này hiện được xây kiên cố với mái lợp bằng tôn xi măng, mái trước cao, mái sau thấp và vẫn giữ được nét truyền thống của người Pa Cô.
Lễ hội Ariêu Ping của người Pa Cô thường kéo dài 3 ngày, 3 đêm, nhưng nếu được tổ chức 10 năm một lần thì lễ hội này rất hoành tráng có thể kéo dài đến 10 ngày, đêm. Lễ hội Ariêu Ping là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng có vị thế quan trọng trong đời sống xã hội, đời sống văn hóa xưa và nay của đồng bào Pa Cô trên những cánh rừng đại ngàn Trường Sơn. Với các nghi thức và cách tổ chức thực hiện mang đậm nét truyền thống cố kết cộng đồng dân tộc nhằm biểu thị nét đặc trưng văn hóa tộc người, văn hóa vùng miền, nhưng ý nghĩa cao hơn là đậm chất nhân văn, nhân bản, là phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống để truyền thụ cho các thế hệ nối tiếp.
Lễ hội Ariêu Ping của người Pa Cô với những đặc trưng văn hóa nổi bật là nhân tố quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho các thế hệ con cháu hiểu sâu sắc thêm những giá trị văn hóa mà ông cha ta đã tạo dựng, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa Việt Nam.
Theo xanhx
Khám phá Quảng Trị và miền trung với dịch vụ du lịch, cho thuê xe:
Hotline: 0233.3.70 80 90 - Website: https://fiveseasons.com.vn