Khe Sanh – Hồi sinh từ “vùng đất lửa”

Máu và nước mắt từng trải dài nơi chiến trường ác liệt mang tên Đường 9 – Khe Sanh (Quảng Trị) cách đây hơn 50 năm về trước. Từ đống tro tàn, giờ đây “vùng đất lửa” này đang vươn mình trỗi dậy. Người dân đã hàn gắn vết thương chiến tranh, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên, ra sức xây dựng và phát triển quê hương.
Từ Quốc lộ 1A ở TP. Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), chúng tôi chạy dọc Đường 9 theo hướng Tây để đến mảnh đất Khe Sanh thuộc huyện Hướng Hóa. Đây từng là nơi bom đan liên miên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Một thời khói lửa

Thời đó, Khe Sanh bao gồm hầu như toàn bộ huyện Hướng Hóa hiện nay, được quân đội Mỹ thiết lập căn cứ mang tên căn cứ Khe Sanh, với hy vọng ngăn chặn được sự chi viện từ Bắc vào Nam của quân đội Việt Nam, cắt đường mòn Hồ Chí Minh.

Tượng đài “Chiến thắng Khe Sanh”

Ngày 20/1/1968, Chiến dịch Khe Sanh – Hướng Hóa mở màn. Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc Hướng Hóa cùng với các quân binh chủng chủ lực áp dụng thế trận bao vây, đánh hiệp đồng binh chủng, tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực quan trọng, phá hủy khối lượng lớn phương tiện chiến tranh của Mỹ – Ngụy. Sau 170 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, quân dân ta đã khiến địch thất thủ ở Khe Sanh và phải rút chạy. Hướng Hoá trở thành huyện đầu tiên ở miền Nam được giải phóng hoàn toàn.

Sân bay Tà Cơn – chứng tích một thời về trận chiến ở Khe Sanh

Cựu chiến binh Hồ Văn Sang (khóm 6, thị trấn Khe Sanh) đã ngoài 80 tuổi những vẫn minh mẫn tâm sự thời chiến tranh, ông là Đại đội trưởng Đại đội 16, bộ đội huyện: “Tự hào lắm chú à. Tôi nhớ hầu như tất cả hàng trăm trận chỉ huy đơn vị, chiến đấu cùng với bộ đội chủ lực. Từ những trận đánh nhỏ, quấy rối, lôi kéo đội hình địch trên tuyến đường 9 đến những trận phục kích đánh địch tháo chạy; bắt lính nhảy dù, thu chiến lợi phẩm ở sân bay Tà Cơn, đồi Động Tri… hay những trận làm trinh sát, vận chuyển vũ khí trang bị, giúp bộ đội công binh mở đường bí mật vào Khe Sanh. Địch có vũ khí hiện đại thì quân dân ta chiến đấu bằng tinh thần quả cảm. Thời ấy, từ già, trẻ, gái, trai đều rạo rực khí thế đánh giặc, với mong mỏi giải phóng quê hương. Thật tuyệt vời khi góp một phần sức nhỏ của mình vào chiến thắng ấy”, ông Sang nói.

Dù vậy, những “nhân chứng sống” đều không khỏi xót xa khi nghĩ về những người đồng đội cũ. Để có được chiến công vang dội đó là sự hy sinh xương máu của hàng ngàn người con khắp mọi miền Tổ quốc. Với họ, được sống và trở về là niềm hạnh phúc, ấm êm bên gia đình thì càng không được phép lãng quên đồng đội đang nằm lại giữa rừng xanh, núi thẳm.

Ông Nguyễn Bá Luân – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Khe Sanh chia sẻ với hy vọng làm vơi đi phần nào nỗi đau của gia đình liệt sĩ hy sinh ở mặt trận Đường 9 – Khe Sanh, gần 30 năm qua, hầu như năm nào các cựu chiến binh cũng vượt rừng, trở lại các cứ điểm để tìm kiếm đồng đội. Hội đã cất bốc hơn 1.500 hài cốt liệt sỹ khắp các bản làng tại Hướng Hóa và các huyện nước bạn Lào. Nhiều gia đình đã đón nhận được niềm vui khi được tiếp nhận các hài cốt liệt sĩ đã nằm lại trên vùng đất chiến trường xưa.

Dạo quanh Khe Sanh, chúng tôi lắng đọng, bùi ngùi khi chứng kiến nhiều chứng tích chiến tranh vang dội thời ấy như: Cứ điểm Làng Vây, sân bay Tà Cơn, nhà tù Lao Bảo, khu căn cứ quân sự Khe Sanh… Mỗi địa danh điều chứa đựng nhiều ý nghĩa khó diễn tả hết bằng lời, tất cả điều thiêng liêng, oai hùng, in dấu lịch sử dù cho là quá khứ, hiện tại hay tương lai.

Khe Sanh “lột xác”

Bước ra từ đống hoang tàn, đất và người Khe Sanh phải gồng mình hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới. Ít ai ngờ rằng, một nơi từng ví là “vùng đất chết – vùng đất lửa” của Quảng Trị lại có sự thay đổi lớn như bây giờ. Từng “làn sóng” định cư theo chương trình kinh tế mới bắt đầu trở lại Khe Sanh từ sau năm 1975, đánh dấu bước chuyển mình của mảnh đất này.

Khe Sanh – Hướng Hóa ngày nay ưu tiên phát triển công nghiệp điện gió

Đường 9 một thời hoa lửa, giờ đây đã nâng cấp và trở thành con đường của hội nhập, phát triển trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây. Hướng Hoá – Khe Sanh nay được mọi người nhắc đến là phố núi trên vùng giáp biên giới Việt – Lào, được ví là “tiểu Đà Lạt” với khí hậu cảnh quan tuyệt đẹp. Đi trên đường 9, rất rõ nhận thấy 2 thị trấn Khe Sanh và Lao Bảo của huyện Hướng Hóa phát triển năng động, đặc biệt là Khu kinh tế thương mại Lao Bảo giáp nước bạn Lào. Những khu chợ sầm uất, nhộn nhịp với lượng hàng hóa phong phú. Công nghiệp điện gió hình thành với nhiều nhà máy, dự án lớn. Nhà cửa khang trang, hiện đại. Nhìn ra xa là những đồi cà phê, hồ tiêu bạt ngàn. Người dân đồng bào Vân Kiều, Pa Cô tại các địa phương đã trồng cây sắn, cây chuối để xuất khẩu. Đây là 2 loại nông sản có giá trị của vùng đất Hướng Hóa hiện tại.

Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo ngày càng phát triển, là nơi giao thương giữa hai nước Việt – Lào

Người dân cho rằng, nhờ sự cần cù, nỗ lực kiên cường trong lao động mà đời sống dần khá lên. Nhìn vào ánh mắt của bà con nơi đây, chúng tôi cảm nhận được sự hân hoan, phấn khởi của họ khi cái nghèo cái khổ dần lui vào dĩ vãng. “Gia đình tôi lên Khe Sanh lập nghiệp từ năm 1992. Ở đây khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng đất đỏ bazan màu mỡ, nhà tôi khai hoang hơn 1,5 ha đất trồng cà phê chè, bơ, rau củ quả, chăn nuôi dê, lợn gà. Giờ thu nhập mỗi năm cũng mấy trăm triệu đồng…”, chị Lê Thị Thu (51 tuổi, thị trấn Khe Sanh) hồ hởi.

Vui mừng vì quê hương ngày càng phát triển, ông Hoàng Văn Quynh – Chủ tịch UBND thị trấn Khe Sanh cho biết, đời sống người dân trên địa bàn ngày càng nâng lên với những căn nhà cao tầng, phố chợ sầm uất, các công trường xây dựng, các nhà máy, khu sản xuất công – nông nghiệp nhộn nhịp. Đặc biệt là đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô bước ra từ hoàn cảnh thiếu cái ăn, khát cái chữ nay đã trở thành những điển hình nông dân sản xuất và làm kinh tế giỏi; những gia đình văn hóa; gia đình hiếu học là bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo… cùng chung tay xây dựng quê hương.

Một góc Khe Sanh ngày nay

“Thu nhập bình quân đầu người của địa phương đạt 38.200.000 đồng/người/năm trong năm 2019. Tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt 100%. Tỷ lệ tốt nghiệp THCS 100%. Thị trấn Khe Sanh định hướng năm nay sẽ trở thành đô thị loại IV, tăng thu nhập bình quân đầu người lên 45 triệu đồng/người/năm; đồng thời phát triển hơn nữa du lịch, thương mại dịch vụ”, ông Quynh thông tin.

Hơn 50 năm sau ngày được giải phóng, dấu tích của cuộc chiến đã dần lùi xa, trong mỗi người dân của mảnh đất dưới chân đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ còn mãi niềm tự hào về một thời oanh liệt. Đó chính là tiền đề để họ gây dựng cuộc sống mới. Dù đã đến Đường 9 – Khe Sanh không ít lần nhưng mỗi lần đi, những người con sống trong hòa bình như chúng tôi không khỏi tự hào về thế hệ cha anh. Càng tin tưởng “vùng đất lửa” một thời này sẽ còn tiến xa, viết tiếp những bản anh hùng ca lịch sử…

Theo Báo tài nguyên và Môi trường

 


Khám phá Quảng Trị và miền trung với dịch vụ du lịch, cho thuê xe:

Hotline: 0233.3.70 80 90 - Website: https://fiveseasons.com.vn