Hàng ngàn tín đồ Công giáo Việt Nam đến với Thánh địa La Vang (Quảng Trị) võ mỗi dịp 15/8 hàng năm để hành hương, tham quan. Với niềm tin sâu sắc rằng: đến với Đức mẹ La Vang là tìm đến bến bờ bình an trong tâm hồn.
Thánh địa La Vang, Trung tâm hành hương Đức mẹ La Vang hay còn được gọi là “Vương cung thánh đường Đức Mẹ La Vang” nằm trong khu vực từng gọi là Dinh Cát ngày xưa.
Cái tên Dinh Cát được đặt vào đời chúa Nguyễn Hoàng thế kỷ XVI. Vùng này gọi là Dinh Cát tức Dinh xây trên một vùng đất cát, có khi còn gọi là Cát Dinh.
Ngày nay Vương cung thánh đường Đức Mẹ La Vang thuộc xã Hải Phú huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị.
Thánh địa La Vang cách Thành Cổ Quảng Trị chừng 6km và cách TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế” khoảng 60km.
Thánh Địa La Vang là trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Mỗi năm có hàng ngàn cho đến hàng triệu tín đồ đạo Công giáo về hành hương.
Có nhiều truyền thuyết về tên gọi La Vang, trong đó có 2 truyền thuyết được lưu truyền cho tới ngày nay. Dưới thời vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn có chính sách chống đạo Công Giáo. Cho nên để tránh sự trừng phạt của nhà Tây Sơn, nhiều giáo dân ở vùng Quảng Trị đã chạy lên vùng đất này.
Đây là khu vực đồi núi hẻo lánh nên để liên lạc với nhau được thì họ phải “la” lớn, mà “la” lớn thì “vang”. Cái tên La Vang ra đời từ đó.
Một cách giải thích nhuốm màu truyền thuyết khác là khi giáo dân chạy lên vùng đất này thì bị dịch bệnh. Lúc bấy giờ Đức Mẹ đã hiện ra và chỉ dẫn cho họ đi tìm một loại lá gọi là lá vằng – uống vào sẽ chữa khỏi bệnh. Viết “lá vằng” không dấu thành La Vang.
Theo tư liệu đặt ở khu vực Thánh địa La Vang (tư liệu có thể không phù hợp với đức tin của những người theo tín ngưỡng, tôn giáo khác -Tâm hồn làng Việt), dưới triều đại vua Cảnh Thịnh (lên ngôi năm 1792), với chiếu chỉ cấm đạo ngày 17 tháng 8 năm 1798, một số các tín hữu ở gần đồi Dinh Cát (nay là thị xã Quảng Trị) phải tìm nơi trốn ẩn. Họ đã đến lánh nạn tại núi rừng La Vang.
Nơi rừng thiêng nước độc, hoàn cảnh ngặt nghèo, thiếu ăn, bệnh tật, sợ hãi quan quân, sợ thú dữ, các tín hữu chỉ biết một lòng tin cậy phó thác vào Chúa và Đức Mẹ. Họ thường tụ tập nhau dưới gốc cây đa cổ thụ, cùng nhau cầu nguyện, an ủi và giúp đỡ nhau.
Một hôm đang khi cùng nhau lần hạt kính Đức Mẹ, bỗng họ nhìn thấy một người phụ nữ xinh đẹp, mặt áo choàng rộng, tay bồng Chúa Hài Đồng, có hai thiên thần cầm đèn chầu hai bên. Họ nhận ra ngay Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ bày tỏ lòng nhân từ, âu yếm và an ủi giáo dân vui lòng chịu khó.
Đức Mẹ dạy hái một loại lá cây có sẵn xung quanh đó, đem nấu nước uống sẽ lành các chứng bệnh. Mẹ lại ban lời hứa: “Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn Mẹ tại chốn này, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện”.
Sau đó, Đức Mẹ còn hiện ra nhiều lần như vậy để nâng đỡ và an ủi con cái Mẹ trong cơn hoạn nạn.
Từ đó đến nay truyền thuyết về câu chuyện Đức Mẹ hiện ra tại núi rừng La Vang, qua các thế hệ được loan truyền khắp nơi. Và nhiều người chân thành tin tưởng, đến cầu khấn Mẹ đều được ơn theo ý nguyện. Đức Mẹ La Vang thường được biểu tượng bằng một phụ nữ mặc áo dài…
Với các tín đồ đạo Công Giáo, đến Thánh địa La Vang người ta cảm thấy như đến được bến bờ của bình an trong tâm hồn, vơi đi những khó khăn trong cuộc sống.
Thánh địa La Vang còn một khu vực gọi là tháp chuông của đền thờ Đức mẹ La Vang được khởi công xây dựng từ năm 1925, khánh thành năm 1928.
Năm 1961, đền thờ này được sắc chỉ nâng lên bậc Vương cung Thánh đường. Mùa hè năm 1972, Vương cung Thánh đường Đức Mẹ La Vang bị hư hại do chiến tranh, chỉ còn lại di tích tháp chuông.
Ngày 15 tháng 8 năm 2012 đã diễn ra lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương cung Thánh đường Đức Mẹ La Vang mới.
Về kích cỡ, đây là công trình lớn nhất của Giáo Hội Công giáViệt Nam từ trước đến nay. Ngôi thánh đường được thiết kế theo phong cách kiến trúc Á Đông truyền thống Việt Nam, có sức chứa lên đến 5.000 người.
Tại vị trí được cho là nơi Đức Mẹ hiện ra gần gốc cây đa cổ thụ, một tượng đài hoành tráng đã được xây dựng với hình tượng ba cây đa và Đức Mẹ La Vang ở chính giữa.
Đức Mẹ thường được thể hiện bằng hình ảnh một phụ nữ mặc áo dài bế đứa bé cũng mặc trang phục áo dài.
Ngoài ra, trong khuôn viên Thánh địa còn có giếng nước Đức Mẹ La Vang, nơi mỗi tín đồ khi tới đây đều uống một ngụm nước để tỏ lòng thành kính với Đức Mẹ.
Hàng năm vào ngày 15 tháng 8 tại La Vang thường có tổ chức lễ hội hành hương, gọi là “Kiệu” (cứ 3 năm lại có một “Kiệu” lớn, gọi là “Đại hội La Vang”).
Người hành hương về nơi này có thể mua được lá cây vằng, một loại lá thường dùng sắc thuốc hoặc uống mát, lành và có khả năng kháng khuẩn, rất tốt cho phụ nữ sau khi sinh nở.
Không những thế, khách thập phương đến đây là để hành hương và cầu xin những ơn lành mà người Công giáo tin rằng Đức Bà sẽ ban ơn như ý.
Sau một thời gian gián đoạn, từ năm 1990, chính quyền địa phương đã cho phép trở lại việc hành lễ tại Thánh địa La Vang. La Vang đã trở thành thánh địa hành hương quan trọng nhất của người Công giáo Việt Nam.
Không chỉ là nơi đến thăm của những người theo Công Giáo, Thánh địa La Vang còn chào đón tất cả những ai yêu lấy những phút bình an.
Theo Dân Việt
Khám phá Quảng Trị và miền trung với dịch vụ du lịch, cho thuê xe:
Hotline: 0233.3.70 80 90 - Website: https://fiveseasons.com.vn