Đến làng Câu Nhi văn vật, chúng tôi gặp ông Bùi Hoành, vị trí thức nửa chữ Nho, nửa chữ Tây dưới thời Pháp thuộc. Theo cách mạng suốt hai cuộc kháng chiến, tận tuỵ, trung thành, có thể nói trẻ xông pha, già mẫu mực, nay tròn 76 tuổi còn rất minh mẫn, cụ cặm cụi tra cứu, dịch thuật, hiệu chỉnh và chép thêm vào gia phả họ Bùi đời thứ 17 đến đời 19.
Quốc sử và gia phổ, hai lĩnh vực tưởng khác nhau nhưng không, nó hoàn thiện lẫn nhau, ít nhất trong trường hợp những trang phổ viết về ông Bùi Dục Tài.
Điều đáng ghi nhận trước tiên phải kể đến văn bản gốc ở gia phả họ Bùi làng Câu Nhi. Từ bản Thỉ thiên đến nay đã 6 lần sao chép vẫn còn lưu giữ được ở nhà từ đường họ Bùi. Sáu lần sao vào các đời sau:
– Năm Tân Tỵ, triều Lê Thánh Tông, niên hiệu Quang Thuận thứ I (1461), bản Thỉ thiên được sao bởi thí sinh Bùi Hữu Khát.
– Năm Mậu Thân, triều Nguyễn Huệ, niên hiệu Quang Trung nguyên niên (1788), thí sinh Bùi Hữu Thọ sao lại bản ông Khát.
– Năm Quý Sửu, triều Nguyễn Dực Tông, Tự Đức thứ 6 (1853), tú tài Nguyễn Tăng Bỉnh sao lại bản ông Thọ.
– Năm Tân Mão, triều Nguyễn Thành Thái, Thành Thái thứ 3 (1902), Bát phẩm Bùi Văn Uýnh nhân tu gia phổ mời ông Phạm Như Suyền sao lại bản ông Hoàn.
– Năm 1991 – 1995, cháu đời thứ 17 là ông Bùi Hoành dịch ra Quốc ngữ theo bản ông Hoàn có đối chiếu với các bản cũ và chép thêm đời 17 đến đời 19. Có thể coi đây là tập gia phả đáng tham khảo.
Từ thế kỷ 14, tằng tổ họ Bùi, ông Bùi Thung gốc ở thôn Đông Nhi, huyện Vọng Dinh, Văn Giang (nay thuộc Nam Định)1 tham gia quân đội nhà Trần vào đánh dẹp quân Chămpa ở phương Nam. Đến xứ trung đô Thanh Hoá, ngài lâm bệnh nặng. Nhờ có thầy thuốc đưa về nhà chạy chữa, qua được cơn thập tử nhất sinh. Để đền đáp ơn thầy, ông ở lại đây, trước có chỗ nương nhờ sau có dịp đền ơn thầy cứu sống. Vốn người cường tráng, hoạt bát, cần cù ngài sớm được gia đình người thầy thuốc tin yêu, xóm làng mến phục cho đăng vào danh tịch địa phương, dựng vợ gả chồng, cho làm đầu mục. Trải ba đời sinh hạ con cháu, làm ăn phát đạt, đầm ấm, yên vui.
Ở đời thứ tư có ông Bùi Trành hiệu Trường Hiên tư chất thông minh, hào hiệp, nghĩa lý tinh thông, văn chương mẫn tiệp, nói năng hoạt bát nên được vua Trần giao nhiệm vụ hiệp lực với Úy lạo sứ Tướng công Nguyễn Văn Chánh, Đô hành kiểm soát sứ Phạm Duyến vào Nam thương thuyết với quân Chiêm đồng thời quan sát địa hình phòng khi có chiến sự. Ông là người nhiều lần vào xứ Thuận Hoá, thông thạo ngôn ngữ, phong tục tập quán và giao tiếp mật thiết với người Chiêm, được người bản xứ tôn kính, mến phục. Một hôm ở Trung đô, nhân làng tế lễ ở đình ông bận không đến dự được, hương dịch đến mời. Có vị bô lão khích bác: “Kẻ ngụ cư chưa hết ba đời vắng mặt mà hương dịch đã sai con cháu ta đi mời, chắc có chua ngọt gì với gia đình ông ấy chăng”. Chuyện đến tai, ông Trành ứng khẩu:
“Thiên tri, địa tri, quỷ thần tri
Hà tất minh minh bỉ thử vi
Bán cú túc trưng văn lý mật
Liên thuyên luỵ độc dĩ kham quy”
Ông Bùi Hoành dịch:
Trời soi đất xét quỷ thần hay
Sao nở mỉa mai chuyện tớ mày
Nói ít nghe hay lời lẽ phải
Dài dòng mỏi miệng khác gì say!
Tuy không tỏ rõ ra sự bất bình nhưng ông Bùi Trành đã lặng lẽ giao cho người tuỳ tùng tên Đề Phòng ra Bắc mua hàng hoá rồi theo thuyền buôn vào phía Nam buôn bán, kiếm cớ chu du tìm nơi gây dựng cơ đồ lâu dài cho con cháu. Nhân triều đình thông báo việc chiêu dân vào xứ Ô Châu, trương khẩn vùng đất mới, ông liền khởi ứng chiêu mộ được 21 người, tương ứng với 12 họ có công đầu trong việc lập làng, vì vậy mới có câu đối ở đình làng Câu Nhi:
“Khai thác đồng công thập nhị tiên sinh
Thuỷ thiên hợp tự bách thiên thế tại”
Điều đáng quý ở danh sách 21 vị này, gia phả ghi rõ sở trường nghề nghiệp của từng người. Như ông Nguyễn Kinh (Nho học huấn đạo), Hoàng Tất Đắc (người Minh Hương là thầy địa lý), Trần Ninh (quê ở Bắc Ninh thạo nghề nông), Lê Thành (chuyên nghề thợ mộc), Đặng Khiêm (người Hải Dương thạo nghề may, giỏi nghề thuốc…) Điều đó chứng tỏ tầm nhìn xa trông rộng của cha ông ta trong việc di dân lập ấp nói chung và tài kinh bang tế thế nói riêng của ông Bùi Trành.
Trong việc kiến lập nên xã hiệu mới cũng theo gia phả, do ngài Trường Hiên đề xướng. Họ chung lưng đấu cật, khai cương thác thổ quy dân lập ấp sớm lập nên được quê hương mới không ngoài mấy yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Với người Chiêm, do đã từng giao hảo trước đây nên lúc di dân đến ở, họ được đối xử rất ân cần, trong những dịp lễ tết truyền thống, họ thường mang những mặt hàng đặc sản nhất là hàng thổ cẩm như gấm thêu hoa đến tặng biếu. Ngài Trường Hiên không dùng, đem dâng lên Vua Lê. Lê Thái Tổ xem ông như người có công với dân, với nước, đã ban tặng cho ông tước “Cẩm đề Lê quan”. Nơi họ đứng chân là nơi linh tú, cảnh trí tốt đẹp. Thật là “Bạch câu cao phi lãm nhi hạ chi”. Và ngài Trường Hiên đã chọn hai chữ Câu Lãm làm xã hiệu mới. Sau không rõ năm nào, để tưởng nhớ quê xưa của họ Bùi, đổi lại Câu Nhi, cũng lấy hai chữ trong hai xã cũ và mới Câu Lãm, Đông Nhi. “Quyết sơ sinh dân Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hoá Dĩ hữu kim nhật Quảng Trị, Hải Lăng, Câu Nhi”. Câu đối này khắc ở đình làng Câu Nhi dưới thời vua Thành Thái có ý nghĩa như thế.
Do có sự thay đổi tên làng xã như trên nên sau này sử sách cũng có những sai sót đáng kể về mảnh làng của ông Bùi Dục Tài. Quốc triều hương khoa lục ghi ông Tài “người xã Câu Lãm”, Ô Châu cận lục ghi “xã Câu Nhi” (làng cũ ngày xưa gọi là xã). Điều đó phản ánh một thực tế. Nhưng có sách mới xuất bản gần đây (từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Q.Thắng và Nguyễn Bá Thế, Nxb KHKT-HN, 1991 nhầm lẫn cả hai nguồn sử liệu kia nên chép về làng xã của ông Bùi Dục Tài là “Người xã Câu Nhi, thôn Câu Lãm… không rõ năm sinh, năm mất” những sai sót như thế sẽ được bàn tiếp ở bài viết này. Có chi tiết liên quan là ngay cả bia tiến sĩ khắc họ tên quê quán của ông Bùi Dục Tài ở Quốc Tử Giám ngày trước cũng ghi: “Hải Lăng huyện, Câu Lãm xã” Năm Tự Đức thứ 27 (1875), Lại Bộ Thượng thư Quốc Tử Giám thấy bia ghi như trên, ông đã sai đốc đường Trần Đình Tú gọi thợ đá đến khắc đổi Câu Lãm thành Câu Nhi.
Gia phả cho biết: Ông Bùi Dục Tài có hiệu là Minh Triết tiên sinh, sinh năm Đinh Dậu (1477) và mất ngày 12 tháng 8 năm Mậu Dần (1518), cháu đời thứ 5 của ông Bùi Trành.
Bố là Bùi Sĩ Phường, bấy giờ làm Xã trưởng nhưng cảnh nhà thanh bần. Năm lên 13 tuổi, ông Tài chưa được đi học. Nhân chưa thu nộp đủ thuế, quan huyện thân hành đến nhà đốc thúc, quở mắng ông thậm tệ. Ông Tài tò mò hỏi thì được trả lời – “Ông ấy vì có học, được làm quan huyện nên quyền thế sai khiến cả vùng”. Ông Tài tỏ ý không phục – “Tưởng ông ấy có biệt tài chi chớ lấy văn chương thì con cũng làm được”. Thấy con có thiên tư, ông Bùi Sĩ Phường từ đó dốc lòng cho con theo việc đèn sách.
Con đường cử nghiệp ngày xưa thật vô cùng khó khăn, tốn kém và lâu dài. Câu Nhi hoặc xứ Thuận Hoá nói chung là vùng đất mới. Cử nghiệp, học hành, đèn sách tất nhiên còn mỏng mảnh, sơ sài. Trong khi sĩ tử từ Thanh Hoá, Nghệ An trở ra đã trải qua mấy thế kỷ học hành, thi cử và dĩ nhiên thừa hưởng những điều kiện học tập tốt hơn, kể cả phần bao cấp của Nhà nước phong kiến. Chẳng hạn, lúc mới lên ngôi (1428), vua Lê Thái Tổ hạ chiếu dựng nhà dạy dỗ người tài, kinh đô có Quốc Tử Giám, các địa phương có nhà học ở các phủ, đời vua Lê Thánh Tông hàng năm triều đình ban phát sách công cho các phủ như Tứ Thư, Ngũ Kinh, Ngọc đường văn phạm, Văn hiến thông khảo (348 quyển) Văn tuyển (602 quyển), Thông giám cương mục (591 quyển)… Ngó sách cũng đủ ngợp. Thế mà trong vòng 12 năm (khoảng 1490 – 1502) ông Tài đã “đi” hết kiến thức cơ bản của một nho sĩ.
Năm Tân Dậu, niên hiệu Cảnh Thống thứ 4 đời vua Lê Hiến Tông (1501) Bùi Dục Tài vác lều chõng đi thi Hương. Thuở ấy, cả nước chia làm 13 xứ, trường thi Hương xứ Thuận Hoá đặt ở đâu không thấy sử sách chép lại nhưng trường quy nghiêm túc, bài văn do quan Hàn lâm của triều đình cử đến chấm, bảo đảm việc chọn lựa nhân tài. Luật lệ phạt rất nặng những người nào man khai lý lịch, làm bài gian dối, hạnh kiểm xấu hoặc trốn tang cha mẹ đi thi. Nhật ký thi ở xứ Thuận Hoá được Phan Huy Chú viết rõ trong “Lịch triều hiến chương loại chí” ở “Khoa mục chí” như sau (theo âm lịch):
– Ngày 08 – 8: Vào trường nhất thi Tứ thư và Ngũ kinh 5 bài.
– Ngày 13 – 8: Vào trường nhì thi chiếu, chế, biểu, dùng tứ lục cổ thể.
– Ngày 18 – 8: Vào trường ba thi thơ (dùng đường luật) phú (dùng cổ thể, thể ly tao hoặc văn tuyển) đều trên 300 chữ.
– Ngày 26 – 8: vào trường tư thi Kinh sách (đề thi về kinh sư, thời vụ) bài phải dài 1000 chữ trở lên.
– Ngày 01 – 9: Yết bảng người đỗ.
Ông Bùi Dục Tài đã vượt qua được bốn cửa ải để đỗ Hương tiến trong số hạn định 30 hương tiến mà trường thi Thuận Hoá được phép lấy từ hàng trăm ngàn sĩ tử. Lúc này, những vị tân khoa được mời đến dinh quan Trấn thủ dự lễ tạ ơn vua, được ban yến, lĩnh mũ áo. Đỗ Hương cống như Cử nhân sau này được đón rước long trọng, có lộng đình và đồ nghi trượng thờ thần. Ông Cống Bùi Dục Tài mang mũ áo triều đình, cưỡi ngựa, che lộng về làng Câu Nhi. Bàn dân thiên hạ hớn hở đón đầy hai bên đường vừa ngắm, vừa khen.
Mùa xuân năm sau, tháng 2 năm Nhâm Tuất (1502) Bùi Dục Tài lặn lội từ Hải Lăng ra đến Thăng Long thi Hội. Được dự kỳ thi Hội là dịp thử thách văn tài giữa hàng ngàn cống sĩ trong cả nước. Ở kỳ thi Hội này, Bộ Lễ định phép thi, các quan cận thần ra đầu bài, vua sửa lại rồi đưa xuống phòng thi. Những viên Tuần xước (giám thị) ở trường thi mỗi ngày thay đổi một lần. Các khảo quan trước ngày thi tất cả các quan trường phải hội thề, không tư thiên dối trá. Ở kỳ thi này, chàng cống sĩ 25 tuổi ở xứ Thuận Hoá xa xôi cách trở là Bùi Dục Tài phải tranh tài với 5.000 thí sinh trong cả nước2, những kẻ đã từng trải qua trường văn trận bút. Theo định lệ ở kỳ thi Hội năm trước (1501) có tất cả 730 Hương cống được chấm đỗ. 4.270 thí sinh còn lại có thể chia làm 2 loại: Những người đã qua những kỳ thi Hội trước đây, nay rất am tường chuyện thi cử, hoặc số quan viên có học tập cử nghiệp đã vượt qua các kỳ sát hạch cũng được phép vào thi Hội. Kỳ thi năm ấy qua 4 trường sau:
– Trường nhất: Thi Kinh nghĩa 8 đề (luận ngữ 4 đề, Mạnh Tử 4 đề. Cử tử chọn lấy 4 đề để làm. Ngũ kinh mỗi kinh 3 đề, cử tử chọn lấy 1 đề, riêng 2 đề về Kinh Xuân thu thì chọn 1.
– Trường nhì: Thi chiếu, chế, biểu, mỗi thể 3 bài.
– Trường ba: Thi thơ và phú mỗi thể 2 bài, phú dùng thể Lý Bạch.
– Trường tư: Thi văn sách 1 bài, hỏi về ý chỉ kinh truyện và chính sự các đời hay dở thế nào.
Khoa thi hội này chưa rõ ai là người thi đỗ Hội nguyên nhưng trong số 5.000 ứng thí có 61 người được lấy đỗ (tỷ lệ 82 người lấy một người), trong đó có Bùi Dục Tài quê tận Hải Lăng xa xôi.
Thi Đình thực chất là xếp hạng những người đã được chọn lọc qua kỳ thi Hội. Sáng sớm hôm ấy, 61 người trúng cách mà Bộ Lại đã tâu lên được dẫn đến sân điện Kính Thiên. Ở chốn nghiêm cẩn, do số lượng ít nên ai nấy được dẫn về lều riêng làm bài trong không khí im ắng, khép nép. Vua Lê Hiến Tông đích thân ra đề văn sách hỏi về công việc đế vương trị nước. Trông nom trường thi đều là các vị quan to của triều đình.
Sau những ngày ruột gan lửa đốt chờ tin, bảng vàng thi Đình được công bố, lễ xướng danh tổ chức rất trọng thể. Người đỗ trạng nguyên khoa ấy là ông Lê Ích Mộc người xã Thanh Lãng, huyện Thanh Đường (nay là huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng). Trong 24 người ở bảng đệ nhị giáp tiến sĩ, có tên ông Bùi Dục Tài, 34 người còn lại đều đạt học vị đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Khó tả hết niềm vui của những người hàng chục năm dùi mài kinh sử nay được đỗ đại khoa, nhất là đối với chàng trai Câu Nhi xa xôi đang lừng tiếng giữa đất kinh kỳ Thăng Long ngàn năm văn vật. Bùi Dục Tài và các vị tân khoa được mời vào sân rồng dự lễ xướng danh, được ban yến, ban mũ áo, cờ biển mang chữ “Đệ nhị giáp tiến sĩ” và “Sắc tứ vinh quy”, được khắc tên vào bia đá ở Văn Miếu, được phong trật tòng thất phẩm. Ông Tài được ban áo chầu bằng vải ô sa, một mũ phác đầu hai cánh, lá đề tam sơn bằng bạc giống mũ tam khôi, đai bịt thau làm bằng gỗ hương bọc lụa màu tím than và cành hoa bạc, 1 cây 6 cành nặng 6 đồng cân. Người đỗ đại khoa như ông Tài được cả một huyện đi rước long trọng gấp bội lần vinh quy năm trước. Thử hỏi trong 8 ngàn xã (đơn vị hành chính tương đương lúc ấy) đã có mấy nơi vinh dự như làng Câu Nhi xa xôi tận xứ Thuận Hoá.
Từ thi Hội đến thi Đình, ông Bùi Dục Tài 25 tuổi đều được khen ngợi về văn ứng chế, nổi tiếng học vấn uyên bác. Ông Tài đã đem về cho quê hương Câu Nhi, cho xứ Thuận Hoá danh hiệu vẻ vang – Tiến sĩ khai khoa, dựng mốc son học vấn, khoa cử cho cả Đàng Trong suốt hơn 400 năm về sau. Sự kiện này, về sau tác giả Dương Văn An bình luận trong “Ô Châu cận lục”: “Đặng Tất thắng trận Bô Cô quân uy lừng lẫy, Bùi Dục Tài đỗ Tiến sĩ khai khoa cho một địa phương danh tiếng tuyệt vời… Cái tài văn chương chính sự của Bùi Dục Tài thật là người giỏi của cả nước chứ không phải là người giỏi của xứ Ô Châu”.
Tiếc rằng sự nghiệp văn chương ấy hiện nay còn lưu lại mỗi một bài “Biện luận về việc làm ra chiếc gậy để đánh Tần Sở”, viết chung với người bạn đồng khoa mà đã được đánh giá như là đại biểu xứng đáng một thời cho tư tưởng nhân nghĩa đại Việt3.
Ông Bùi Dục Tài ra làm quan lúc 25 tuổi, trải 15 năm, sử cũ chép rất vắn tắt: “Ông nổi tiếng văn học, làm quan trải các chức Hàn lâm Hiệu lý (1502). Tham chính đạo Thanh Hoa. Năm Hồng Thuận I, đời Lê Tương Dực (1509) ông được thăng chức Lại bộ Tả Thị Lang. Dưới thời Lê Chiêu Tông, niên hiệu Quang Thiệu (1546 – 1522), ông giữ chức Tham tướng. Khi trở về kinh lý ở xứ Thuận Hoá bị gian đảng sát hại” (Ô châu cận lục, tr.269). Lương An, trong lời giới thiệu bản dịch “Biện luận…” đã dẫn ghi rõ hơn: “Triều đình giao ông chức Tham tướng và đưa về Thuận Hoá vận động nhân dân và sĩ phu chống lại âm mưu chiếm ngôi của Mạc Đăng Dung. Khi trở ra Thăng Long ông đã bị bọn tay chân của họ Mạc sát hại” (không rõ tác giả dựa vào nguồn tư liệu nào để kết luận như thế!). Gia phổ ghi rất rõ về cái chết của ông: “Năm 1518, đời vua Lê Chiêu Tông, niên hiệu Quang Thiệu thứ 3 có bọn Đô Kiềm, Đô Chức nổi lên làm loạn nhiễu hại quân dân, triều đình giao cho ông kiêm chức Tham tướng đem quân đi dẹp loạn. Ông giết được tên Đô Kiềm còn Đô Chức chạy thoát nuôi chí báo thù. Khi mang quân trở về Thăng Long, ngang địa phận Bàu Đá, huyện Võ Xương (nay thuộc làng Cẩm Thạch, xã Cam Giang, Cam Lộ, Quảng Trị) là nơi hoang vắng, gặp quân Đô Chức xuất trận bất ngờ. Biết bị mai phục vẫn dũng cảm đánh quân phản nghịch đến hơi thở cuối cùng. Nhân dân làng Cẩm Thạch dựng miếu lớn thờ ông tại chỗ. Là người tiết nghĩa trung quân ông được vua Lê Chiêu Tông truy tặng chức Lễ Bộ Thượng thư. Làng rước sắc phong và cả thi hài của ông đưa về chôn cất ở cồn cát Yên Biều, Câu Nhi, hưởng thọ 41 tuổi. Làng Câu Nhi dựng miếu thờ ông trong khuôn viên chùa lớn của làng. Năm Tự Đức thứ 11 (1858) nhân triều đình kiểm kê khen thưởng những người có công với nước, làng chép sự tích của ông nộp lên, được truy phong Tuấn lương tôn thần. Gia phổ ghi ông chỉ có một người con trai độc nhất là Bùi Văn Thường nhân ra thăm làng Cẩm Thạch, cảm kích lòng tốt của dân làng đối với thân phụ, ông ở luôn tại đấy, lấy vợ, sinh hạ con cháu, biệt lập thành chi họ Bùi ở làng Cẩm Thạch, phả gọi là biệt chi từ đời thứ 6 này.
Về cái chết cũng như việc tìm hậu duệ của ông Bùi Dục Tài còn có nhiều việc phải bàn. Nhưng cần phải bác bỏ những nguồn tài liệu thiếu chính xác viết về ông như: “Sau vì ông thẳng thắn, bọn gian thần lấy làm ghét, mưu giết chết ông. Con ông là Bùi Vĩ sau cũng bị hại (Xem Bùi Vĩ, Từ điển nhân vật lịch sử sđđ, tr.35). Chúng tôi không biết bằng cách gì, cuốn từ điển này đã thủ tiêu đi ông Bùi Vĩ, con của ông Bùi Dục Tài không có tên trong bộ sách. Ô Châu cận lục cho biết: “Con là Vĩ đậu nho sinh trúng thức, khi giặc Liễn nổi loạn, Vĩ bởi có em gái bị giặc dụ dỗ đi theo, vì thế nên Mạc Thái Tổ (tức Mạc Đăng Dung) ghét về sĩ phu kiêu bạc ghép tội xử tử. Bởi thế nên nếp nhà bị sa sút đi” (tr. 88). Ông Bùi Dục Tài mất năm 1518, thế tổ Mạc Đăng Dung trị vì trong 3 năm (1527 – 1529), nghĩa là trong vòng 10 năm sau, con trai ông Tài đã bị giết bởi nhà Mạc và theo Ô Châu cận lục thì ông Tài còn có người con gái “bị giặc dụ dỗ đi theo” không rõ còn mất, tung tích thế nào. Rất có thể vì sự cố này mà gia phổ họ Bùi ở Câu Nhi lách đi, ghi là biệt chi, coi như con cháu ông Bùi Dục Tài không còn ai nữa đó chăng?
Điều rất đáng mừng là hơn 500 năm sau, Đông Hà chúng ta đã có con đường nho nhỏ khiêm nhường từ Quốc lộ 9 qua Uỷ ban phường I, ra “Chợ Lao Bảo” hoặc chợ Âm Phủ cũ mang tên ông Bùi Dục Tài. Có nên không khi đặt vấn đề trên quê hương Hải Lăng của ông mà cả tỉnh Quảng Trị chúng ta nữa, cần có những ngôi trường PTTH mang tên ông nghè khai khoa, dựng mốc son học vấn khoa cử không chỉ cho một địa phương danh tiếng mà cả xứ Đàng Trong như tác giả Dương Văn An khẳng định: “Cái tài văn chương chính sự của Bùi Dục Tài thật là người giỏi của cả nước, chứ không phải là người giỏi của xứ Ô Châu” hoặc Lê Quý Đôn ca ngợi: “Văn mạch một phương dằng dặc không dứt”.
Theo Tạp chí Cửa Việt
Khám phá Quảng Trị và miền trung với dịch vụ du lịch, cho thuê xe:
Hotline: 0233.3.70 80 90 - Website: https://fiveseasons.com.vn