Những chiếc được làm từ hương liệu tự nhiên, sản xuất quanh năm và chỉ làm đúng số lượng người đặt chứ không sản xuất đại trà, thế nên vừa ra lò đã không còn để bán cho khách.
Địa phương nấu bánh chưng, bánh tét tạo nên thương hiệu là thôn Đại An Khê, (xã Hải Thượng, Hải Lăng, Quảng Trị). Hiện các hộ làm bánh ở địa phương trên đang cấp tốc để chuẩn bị cho đơn hàng dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Mặc dù tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp nhưng đối với các hộ kinh doanh bánh truyền thống Đại An Khê, lại không bị ảnh hưởng. Thậm chí số lượng đơn hàng đặt mua bánh sỉ và lẻ còn gia tăng gấp nhiều lần so với những năm trước.
Số bánh chín được vớt lên, chuẩn bị đóng gói gửi đi các tỉnh thành.
Để có được sự ổn định như hiện tại, ông Đào Bá Vây, một người đi đầu trong việc làm bánh truyền thống tại thôn Đại An Khê cho biết: “Những chiếc bánh của chúng tôi khi làm ra đòi hỏi phải hoàn toàn từ tự nhiên.
Gia đình tôi sản xuất bánh quanh năm và chỉ làm đúng số lượng người đặt chứ không sản xuất đại trà để tạo uy tín và đặc biệt là việc làm bánh hoàn toàn không sử dụng chất phụ gia hay tạo màu”.
Điều mấu chốt giúp cho bánh truyền thống Đại An Khê khi sản xuất ra được nhiều thị trường ưa chuộng là từ màu xanh tươi tắn hơn với những chiếc bánh thông thường.
Cách tạo màu khác biệt ấy được người dân trong làng chia sẻ rằng, khi làm bánh, dân làng Đại An Khê sẽ dùng rau ngót, rửa sạch và chắt lấy nước sau đó trộn với nếp để tạo màu, khi nấu ra sẽ tạo nên sự khác biệt so với bánh thông thường.
Thịt lợn phải được mua từ các chỗ nuôi lợn sạch đạt chất lượng trong vùng. Đậu xanh, nếp, lá dong, gia vị cũng được lựa chọn rất kỹ lưỡng.
Do nguyên liệu làm hoàn toàn từ thiên nhiên nên bánh truyền thống Đại An Khê được nhiều thị trường tin tưởng. Đặc biệt là 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
Lặn lội từ TP Đông Hà vào mua bánh, anh Hoàng Khánh Trình, (SN 1999, trú tại phường 5) cho biết: “Gia đình tôi vô cùng thích ăn bánh chưng, bánh tét, bánh tày Đại An Khê, không chỉ bởi nó ngon mà là vì bánh ở đây được làm hoàn toàn từ tự nhiên, không chất phụ gia, tạo màu. Điều đó khiến gia đình tôi vô cùng tin tưởng”.
Màu xanh tự nhiên của nếp pha với màu được chế biến từ rau ngót, rất bắt mắt.
Phó Chủ tịch UBND xã Hải Thượng Lê Thị Bé Hương cho biết: “Để duy trì và phát triển làng nghề làm bánh Đại An Khê, UBND xã đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tem truy xuất nguồn gốc cũng như thành lập tổ hợp tác làm bánh Đại An Khê.
Đồng thời thông qua các hình thức khác nhau để quảng bá sản phẩm của làng nghề trên mạng xã hội, hội chợ, phương tiện thông tin đại chúng… Với những nỗ lực ấy, hiện nay nghề làm bánh Đại An Khê đã phát triển không ngừng và được thị trường đón nhận cao”.
Theo Vietnamnet
Khám phá Quảng Trị và miền trung với dịch vụ du lịch, cho thuê xe:
Hotline: 0233.3.70 80 90 - Website: https://fiveseasons.com.vn