Ăn ớt như người Quảng Trị

Đã sống ở vùng đất khắc nghiệt khô cằn nóng rát, người Quảng Trị lại thích ăn mặn, ăn đắng…và đặc biệt ăn cay thì vượt trội so với người dân ở các vùng miền khác. Có thể nói người dân Quảng Trị là những người ăn cay nhất trong cả nước.

 

Các món ăn của người Quảng Trị không thể thiếu ớt cay

Cách đây hơn một tháng, tôi đi thực tế lên vùng Tây Bắc, buổi trưa ghé lại một quán nước ven đường ở Điện Biên, cô chủ quán người Thái sau dăm ba câu chào hỏi biết được quê xứ của tôi liền trầm trồ: “Người Quảng Trị à, ăn cay khủng khiếp nhỉ”. “Răng biết?”. “Các đoàn du lịch Quảng Trị lên đây, vào quán ăn bao giờ cũng xin thêm ớt. Họ ăn ớt ngon lành cứ như ăn… dưa leo”. Tôi bật cười với so sánh thú vị ấy của chị chủ quán, hóa ra ở tận vùng đất cực Tây đất nước cũng biết đến thói ăn cay của người Quảng Trị. Hồi tôi mới tốt nghiệp đại học vào thực tập ở Đà Nẵng, ghé quán ăn nào là người ta biết liền dân Quảng Trị cũng bởi cái kiểu ăn ớt như ăn dưa leo ấy.

Lại nhớ chương trình truyền hình thực tế quảng bá về văn hóa và du lịch “S Việt Nam” của VTV1 đã chọn vùng đất Quảng Trị để thực hiện các phóng sự khám phá ẩm thực cay với ớt và gọi đó là gia vị đặc sản của xứ nóng Quảng Trị. Nói cho đúng thì cả nước ăn ớt chứ chẳng phải riêng gì Quảng Trị. Nhưng người Quảng Trị lại tỏ ra thích ăn ớt, ăn rất nhiều ớt và xem đó là khoái khẩu.

Cái tiếng tăm ở Quảng Trị ăn cái gì cũng cay khiến nhiều người ngại ngần. Người nơi khác đến Quảng Trị, vào quán ăn thường thì việc đầu tiên là nhắc chủ quán nêm ít ớt. Ẩm thực Quảng Trị dùng nhiều gia vị thiên về tính cay, nóng, mà tiêu biểu và không thể thiếu được là ớt. Người Quảng Trị sính ớt và cũng sành ăn ớt. Hầu hết các món ăn đều được tẩm ướp bằng ớt, nấu canh, chế nước dùng, các món xào đều phi ớt bột để làm màu nếu không sẽ trắng dã như “ma trôi”, ớt làm sa tế, ớt kho, ớt ngâm, mắm, ớt hấp dầm nước mắm, ớt được ăn sống…Chao ơi, cả một thế giới ớt trên khuôn bàn ẩm thực. Vậy nên đến Quảng Trị bạn cũng đừng ngạc nhiên khi đi đến đâu cũng thấy sự hiện diện của ớt, ăn món gì cũng cay và rất cay.

Loại ớt của người Quảng Trị cũng cay hơn bình thường.

Trong bút kí “Ẩm thực Quảng Trị”, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cho rằng người Quảng Trị có một tâm hồn ăn uống gắn bó với những nét đặc trưng của quê hương mình. Hàng trăm loại thức ăn của người Quảng Trị đều ít nhiều phản ánh tinh thần chịu đựng khó khăn của vùng đất anh hùng, ăn ớt là một ví dụ tiêu biểu. “Xông thẳng vào nơi khó khăn để tìm cách vượt khó, đó không những là bài học về cách sống mà còn là “tâm hồn ăn uống” của người Quảng Trị hay nói “dễ như ớt” (dễ ợt). Nghĩa là, nếu không có cái để làm món ăn, người ta hái luôn một nắm ớt chìa vôi rất cay sắp vào đĩa, đem hấp cơm rồi chấm với nước ruốc làm thức ăn. Nói “dễ như ớt” là thế!”.

Mùa nào thức ấy nhưng với người Quảng Trị các bữa ăn quanh năm đều phải có ớt. Như ba tôi, bữa ăn nào mà thiếu ớt là ông thấy nhạt mồm nhạt miệng, ăn không thấy ngon. Vườn nhà vỏn vẹn vài tấc đất nhưng ông cũng cố trồng vài cây ớt để có trái dùng bốn mùa. Và đã thành tục lệ, mâm cơm của gia đình tôi dọn ra lúc nào cũng phải có trái ớt, ba tôi bắt buộc phải để trái ớt trong một cái dĩa nhỏ cho thêm phần trịnh trọng. Lỡ khi có người dọn cơm mà lại trót bỏ trái ớt chung dĩa với món ăn khác, ba tôi khi ngồi vào mâm sẽ lên tiếng nhắc nhở ngay. Ăn ớt nhiều đến mức nghiện, ông chỉ cần nhìn trái ớt cũng biết là ớt non hay ớt già, cay hay không cay. Sau này khi bị căn bệnh dạ dày hành hạ, ông vẫn nhất quyết không chịu từ bỏ ớt.

Cũng là chuyện ăn ớt, trong một lần về làng Câu Nhi, Hải Lăng, tôi đã chứng kiến một chuyện độc đáo như này: Mâm cơm trưa của một gia đình trong làng dọn lên có bát ớt dầm đỏ rực, không thấy có rau xanh. Họ trộn ớt dầm với cơm trắng và ăn bay 5 – 7 bát cơm liền. Người lớn ăn ớt, trẻ con cũng ăn ớt. Thấy tôi ngạc nhiên, gia chủ cho hay người dân ở đây quen ăn ớt thay rau và xem trái ớt dầm như một món ăn chính trong bữa cơm hằng ngày. Ớt hái ngoài đồng đem về cắt cuống rửa sạch, rồi phơi sương cho heo héo, sau đó đem bỏ vào hũ ngâm với muối sống nguyên hạt. Gia muối đúng tỉ lệ hủ ớt dầm để được cả năm, dầm càng lâu càng thơm ngon. Bao đời nay, ớt dầm là món ăn ưa thích của người Câu Nhi bởi nó có vị mặn, vị chua ngọt, giòn giòn cay the nhẹ và đặc biệt là mùi thơm rất đặc trưng của trái ớt lên men tự nhiên. Người Câu Nhi kể rằng, nhạc sĩ Trần Hoàn mỗi lần về thăm quê bà con tặng gì ông cũng không nhận, chỉ xin một hủ ớt dầm đặc sản của quê hương mang theo. Ớt dầm Câu Nhi nổi danh đến độ có thời định phát triển thành sản phẩm để xuất khẩu.

Một gia vị không thể thiếu trong mọi món ăn

Quê tôi cũng là vùng trồng ớt lâu đời. Cách đây mấy năm đã thành lập tổ hợp tác sản xuất ớt và xây dựng thương hiệu ớt Triệu Giang. Ớt chọn làm thương hiệu là giống ớt chìa vôi đặc trưng của miền Trung: trái thon dài nhiều hạt, rất cay, trái dùng ăn xanh thơm nồng, trái chín đỏ phơi khô ít hao. Cây ớt chìa vôi ở quê tôi được trồng trên bãi đất bồi ven sông Thạch Hãn sau mùa lũ, khi phù sa đã thấm nhuần vào đất đai. Tháng chạp bắt đầu ra lộc và đơm hoa kết trái. Sang tháng hai, tháng ba ớt chín đỏ đồng, vừa đúng mùa hè. Nhớ hồi nhỏ còn học trường làng, trong cặp sách đi học của tôi và chúng bạn lúc nào cũng để sẵn gói muối ớt. Chiều chiều đi học về, cả nhóm kéo nhau xuống bãi sông làm cái công việc… trộm ớt. Con nít chúng tôi thống nhất với nhau là chỉ hái những trái xanh già đã khô cuống, không hái trái xanh non vì quả non ăn có mùi hăng không cay. Hái xong lại ngồi chụm đầu lại hớn hở đếm đếm chia chia mấy trái ớt xanh để chấm muối ăn. Tôi cứ nhớ mãi cái cảm giác bỏ trái ớt vô miệng cắn phập, trời ơi cay tàn khốc, đứa nào đứa nấy nước mắt lưng tròng, bao tử quằn quại xót xa thế mà cứ xuýt xoa kêu “ngon, ngon!”.

Tổ tiên người Quảng Trị đã học theo tập tục ăn ớt của người Chăm khi theo chân chúa Nguyễn Hoàng vào ở đất Ô – Lý. Lịch sử Chăm Pa đã mờ dần trong sương khói xứ sở, lần hồi những món ăn thời đi khai phá Ô – Lý cũng mất dần trong ẩm thực vùng đất này. Nhưng tập tục ăn ớt đã bám gốc rễ trong đời sống của người Quảng Trị và ớt vẫn cứ là một món ăn không thể thiếu trên khuôn bàn ẩm thực của người Quảng Trị ngày nay.

Theo Báo Quảng Trị 


Khám phá Quảng Trị và miền trung với dịch vụ du lịch, cho thuê xe:

Hotline: 0233.3.70 80 90 - Website: https://fiveseasons.com.vn